Cô tiểu thư 'thất học' và mối lương duyên vượt định kiến

Căn phòng nhỏ (ở khu tập thể văn nghệ sĩ phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) của cụ Trần Thị Bảo chứa đầy những bức họa chân dung, phong cảnh của nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Đình Phúc. 

Dù người chồng đã ra đi hơn 10 năm, nhưng cụ Bảo vẫn giữ gìn, nâng niu từng tác phẩm nghệ thuật của chồng mình dù lớn, dù nhỏ. Cụ cười hiền, làm sao dỡ đi cho được khi mỗi tác phẩm đều ăm ắp những kỷ niệm suốt 60 năm mặn nồng gắn bó của hai vợ chồng.

Cô tiểu thư "thất học"

Gọi cụ Trần Thị Bảo (sinh năm 1924) là "tiểu thư" là bởi cụ sinh ra trong một gia đình thương gia nổi tiếng đất kinh kỳ. Thân mẫu cụ chính là bà chủ hiệu phở Cát Tường Phùng Thị Tài - người đã mở ra hàng phở đầu tiên để "đấu" với người Tàu những năm đầu thế kỷ trước.

Cô tiểu thư 'thất học', cụ Trần Thị Bảo, gia đình thương gia, nổi tiếng kinh kỳ
Đã 90 tuổi nhưng cụ Bảo vẫn có được vẻ đẹp mặn mà

Chưa hết, gia đình cụ lại là gia đình Nho học, ngay từ nhỉ các con đã được dạy bảo sát sao từ lời ăn, tiếng nói, cách thưa gửi, đi lại, cũng như cách ứng xử với bậc trên. Cụ Bảo nhớ lại: "Khi xưa, con gái diện kiến cha là phải đứng ở mép cửa, hai tay xoa xoa rồi chắp lại thưa bẩm đàng hoàng. Đặc biệt, tuyệt đối không có chuyện vừa cười hớn hở vừa nói chuyện với người trên".

Cũng bởi vậy mà ngay từ nhỏ, ở cụ Bảo đã toát lên vẻ thanh thoát, khoan thai, dịu dàng. Nét mặt luôn giữ được sự điềm đạm, bình tĩnh. Nhưng ẩn sau ánh mắt long lanh, sắc nét là một cá tính mạnh mẽ, kiên định mà cho đến sau này, chính người cha mang nặng tư tưởng phong kiến của cụ cũng phải "nhường nhịn" vài phần.

Là phận gái nên cụ Bảo chỉ được học hết lớp 3, chỉ đỉ để biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản. Thèm học, mỗi tối cụ thường đứng nép bên mép cửa nghe gia sư dạy cho các anh rồi lẩm nhẩm học theo. Thấy vậy, người thầy đã xin cho cụ được ngồi học cùng các anh môn Toán và tập viết.

Cụ Bảo yêu sách đến lạ. Khi được cha xin cho học chữ Nho tại cửa hàng sách của ông bác gần nhà, cụ không học chữ mà chỉ "rình" lúc bác đi vắng lôi sách ra đọc. Tất cả những cuốn sách như Tam Quốc diễn nghĩa, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình... đều được cụ nghiền ngẫm từng chữ một. Cuối cùng, suốt cả quá trình học chữ Nho, cụ Bảo chỉ viết được duy nhất hai chữ "Tồn" và "Tử", nhưng kho sách thì lại được cụ thấm cả vào đầu.

Khác với những cô tiểu thư đài các, cụ bảo rất ham làm. Cụ bắt đầu ra quân giúp mẹ bán phở từ khi lên 8 tuổi. Vừa tròn 16, ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", cụ bảo đã được thân mẫu giao cho việc buôn bán và quán xuyến gia đình. Cụ nghĩ ra đủ cách kinh doanh lấy lãi. Khi bán phở và tạp hóa không đủ tiền chi tiêu cho gia đình, cụ ra chợ đầu mối lấy bánh mì về bán.

Cụ còn nhớ mãi cái ngày giáp mặt thằng lính Nhật: "Nó cùng một toán quân kéo đến quán tôi đòi mua cả ổ bánh mì, nhưng tôi nhất định chỉ bán cho chúng đúng 10 cái. Thằng cầm đầu tức giận rút súng ra giơ lên trời dọa bắn, tôi đứng phắt dậy nhìn chằm chằm vào mặt hắn, thế là bốn mắt nhìn nhau. Được một lúc, không hiểu sao nó rút lại súng rồi kéo quân đi". Kể từ đó, người dân xung quanh mới thấy được cá tính mạnh mẽ ẩn sau vẻ mặt dịu dàng, đài các của cô tiểu tư Hà thành.

17 tuổi, cụ Bảo càng đẹp - vẻ đẹp xuân sắc, đậm chất Hà thành. Cụ nổi tiếng với nước da trắng nõn, đôi mắt đen láy đăm chiêu, miệng cười duyên dáng. Đặc biệt, ở cụ không bao giờ lộ rõ sự hấp tấp, cuống quýt mà luôn điềm tĩnh, khoan thai. Cụ bảo, vẻ điềm tĩnh cụ có được là nhờ sự dạy dỗ của cha, còn cá tính mạnh mẽ, sự hoạt bát cụ được thừa hưởng một cách tự nhiên từ mẹ.

Mối lương duyên vượt định kiến

Trở lại câu chuyện của cụ Bảo thời còn trẻ, với vẻ đẹp thắm thiết như vậy, cụ nhận được rất nhiều lời cầu hôn. Từ ông Tham Tá, ông Tư Châu đến các nhà doanh nghiệp giàu có đẹp trai đều muốn hỏi cưới, nhưng cụ đều từ chối bởi đơn giản cụ chưa thất được ở họ cái "chất" của con người mà cụ trông đợi.

Và thế là cụ Bảo gắn bó đời mình với một chàng nghệ sĩ nghèo nhưng theo cụ "có tâm hồn rất quý". Đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay "Cô lái đò" và sau này là "Tiếng đàn bầu". Cụ gặp mối tình đầu, cũng là mối tnfh cuối của mình tại hiệu sách Ngoạn ở phố 110 Cầu Gỗ. Cụ yêu và phục "anh" Phúc ở điều anh đã "bán" tiếng đàn của mình lấy tiền nuôi các em ăn học.

Theo cụ: "Người nghệ sĩ thường lấy đàn nhạc mua vui, thưởng ngoạn. Còn anh Phúc thì lấy tiếng Đàn để nuôi gia đình. Hiếm có người nghệ sĩ nào làm được như vậy".

Tình yêu của đôi trai tài, gái sắc bị gia đình cụ Bảo phản đối kịch liệt. Cha cụ Bảo cho rằng, nghệ sĩ là "xướng ca vô loài", không xứng đáng với cô tiểu thư vàng ngọc của mình. Sự phản đối kịch liệt đến mức, đã có lúc cha cụ đặt con dao trước mặt, nói nếu cụ còn yêu anh Phúc thì "dao đây, con đâm thầy một nhát".

Trước tình thế đó, đôi trai gái phải làm kế hoãn binh, chỉ thi thoảng mới dám lén lút hẹn gặp nhau một lần. Kháng chiến bùng nổ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc từ một chàng thư sinh ôm đàn trở thành người chiến sĩ dũng cảm bên cây súng. Còn cụ Bảo từ một cô tiểu thư thất học trở thành một cô giáo phục vụ lớp bình dân học vụ.

Cô tiểu thư 'thất học', cụ Trần Thị Bảo, gia đình thương gia, nổi tiếng kinh kỳ
"Nâng khăn sửa túi" cho người chồng nghệ sĩ, cụ Trần Thị Bảo tình nguyện trút bỏ lối sống tiểu thư đài các để vật lộn với cuộc sống, lo liệu cho cả gia đình. Suốt 60 năm gắn bó cụ chưa một lần than thở với chồng về sự mệt nhọc của mình, bởi với cụ, đức hy sinh chính là thước đo nhân phẩm của người phụ nữ

Cho đến năm 1947, họ mới gặp lại nhau. Cụ Bảo nhớ lại: "Thực hiện kế hoạch hoãn binh, nào ngờ hoãn đến 9 năm trời. Năm 1949, tôi tìm gặp ông Phúc chủ động đòi cưới. Ngày 19/8 năm đó, chúng tôi chính thức thành vợ chồng".

Chuyện tình yêu của vợ chồng cụ Bảo giống như mối lương duyên trời định, vượt qua bao sự ngăn trở của cả gia đình và thời gian họ mới đến được với nhau. Hòa bình lặp lại, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc làm việc trong Hội Nhạc sĩ, còn cụ Bảo làm đủ các việc từ thợ may, buôn bán đến pha chế màu cho xưởng phim...miễn sao có tiền lo co 5 người con thơ dại ăn học.

Cụ Bảo là một người mẹ tần tảo, chu đáo. Với chồng, cụ là người vợ giàu đức hy sinh. Những năm tháng khó khăn, có khi cả gia tài của cụ cũng chỉ đủ tiền mua một bát phở. Biết chồng nhịn đói sáng tác nhạc, cụ rủ chồng đi ăn phở, nhưng lại chỉ gọi một bát cho chồng ăn trước, rồi đến lượt mình lại giả vờ đau bụng đi về.

Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc bất chợt hỏi vợ: "Vậy giờ chúng mình làm gì?". Cụ Bảo tếu táo: "Em sẽ làm người mẫu cho ông vẽ". Và thế là vẽ thật. Cụ Bảo dành dụm từng đồng tiền mua màu vẽ cho chồng. tính đến cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã hoàn thành 400 bức vẽ, trong đó có nhiều bức giá trị. Đằng sau tài hoa của cụ Phúc, chính là công sức vun vén của người vợ giàu đức hy sinh.

Ngày nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc ra đi, cụ Bảo không rơi một giọt nước mắt. Cụ chỉ lặng lẽ viết hồi ký về câu chuyện tình yêu lãng mạn của mình. Thế rồi tròn một 100 ngày ông mất, cũng là ngày cụ hoàn thành cuốn hồi ký nồng nàn, da diết tiếng đàn bầu, dày 102 trang có tựa đề: "100 ngày anh ơi, em thiết tha kể chuyện chúng mình".

Cụ Bảo ngước nhìn lên di ảnh người chồng quá cố nói nhỏ: "Suốt 60 năm sống trọn tình trọn nghĩa, không một lần cãi vã, oán trách nhau, nên ngày ông ấy đi, tôi không thể khóc. Có thế ông ấy mới thanh thản ra đi". Người phụ nữ Hà thành ấy, cho đến phút tiễn biệt cuối cùng cũng vẫn nghĩ cho chồng.

Theo Hưng Yến/ Chuyện đời



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.