Cựu học sinh trường chuyên không muốn con mình "học giỏi bằng mọi giá”

Là những ông bố, bà mẹ từng theo học trường chuyên lớp chọn nhưng nhiều bậc phụ huynh khẳng định, họ không muốn con mình phải học giỏi bằng mọi giá.

Là những ông bố, bà mẹ từng theo học trường chuyên lớp chọn nhưng nhiều bậc phụ huynh khẳng định, từ những trải nghiệm của bản thân, họ không muốn con mình phải học giỏi bằng mọi giá.
 

Thấu hiểu sự áp lực về điểm số trong những năm còn học phổ thông, anh Nguyễn Anh K. (cựu học sinh khoá đầu tiên của trường Hà Nội – Amsterdam) cho rằng, nếu cái giá phải trả cho thành tích học tập là sự nhồi nhét kiến thức không có giá trị thực tiễn cao; là những áp lực và sự mất đi khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của trẻ, thì anh không muốn con mình học giỏi bằng mọi giá.

Những chia sẻ của ông bố này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. VietNamNet xin đăng tải bài viết của phụ huynh này.

Cựu học sinh trường chuyên không muốn con mình học giỏi bằng mọi giá”-1

Những lo lắng của bố mẹ đôi khi trở thành áp lực cho con cái (Ảnh minh họa)

Khi tôi nói: “Tôi không muốn con mình học giỏi”, chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên và phản đối. Cha mẹ ai chẳng muốn con mình thông minh, học giỏi? Mà học giỏi thì thật tốt quá, sau này sẽ có điều kiện để vào trường danh tiếng, xin được học bổng và đi học nước ngoài, …

Đầu tiên tôi xin công nhận là điều mọi người nói hoàn toàn đúng và xin đính chính: “Tôi không muốn con tôi phải học giỏi bằng mọi giá”.

Vậy tại sao không? Tôi xin nêu ra một số mặt chưa được của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, khối lượng kiến thức con em chúng ta phải học là thừa. Ví dụ, thừa ở kiến thức môn Toán cấp III. Trừ những em xác định sẽ đi chuyên sâu những môn tự nhiên theo nghề nghiệp, còn đối với các em đi theo khối xã hội thì chắc lên đại học sẽ hoàn toàn không cần đến kiến thức toán.

Ngoài ra, có những ngành yêu cầu học toán trong chương trình (ví dụ như kinh tế), nhưng sau này khi đi làm chắc chắn các em sẽ không cần đến kiến thức cao hơn là đạo hàm bậc 2, trừ khi các em đó muốn nghiên cứu chuyên sâu kinh tế về mặt lý thuyết.

Nhưng hiện nay khối lượng kiến thức con em chúng ta phải học là thiếu. Đó là thiếu kiến thức về văn hóa, lịch sử, văn học. Giáo trình Lịch sử không đầy đủ và có một số vấn đề đang bị các nhà sử học tranh luận. Môn Văn thiếu những tác phẩm văn học đương đại là những sản phẩm đề cập tới cấc vấn đề gần gũi với các em trong cuộc sống hiện tại, với ngôn ngữ hiện tại.

Hiển nhiên, nếu các em phải học về những vấn đề mà các em không hiểu, thấy xa lạ thì thật khó mà đòi hỏi các em say mê và thích thú. Kết quả là phần lớn các em sẽ học có tính chất đối phó.

Chắc nhiều người sẽ công nhận, phần lớn các em tốt nghiệp đại học xong muốn làm việc được sẽ phải học lại một số kỹ năng cơ bản, ví dụ như soạn thảo văn bản. Ở đây tôi không muốn nói tới việc xây dựng văn bản theo đúng quy định hành chính nhà nước. Tôi chỉ muốn nói tới việc xây dựng một văn bản một cách mạch lạc, đúng chủ đề.

Nếu các em đi học ở trường công lập, hoặc thậm chí ngay tại các trường tư hoặc dân lập nhưng do các giáo viên tư duy theo phong cách của trường công lập giảng dạy, có nhiều khả năng là các em sẽ trở thành… “đàn cừu”.

Các em được giới thiệu một số đề mẫu có sẵn, được cung cấp và phải học thuộc một số phương án giải quyết có sẵn, không khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo.

Hiện nay, một số nơi bắt đầu áp dụng phương thức ra đề mở để khuyến khích tư duy sáng tạo. Nhưng theo tôi, vấn đề hiện nay là đội ngũ giáo viên nói chung liệu đã đủ khả năng để chấm những bài tư duy ấy, có đủ khả năng chấp nhận lối tư duy khác chuẩn mực của các em hay không?

Nếu các em đi học ở trường công lập, nhiều khả năng là các em sẽ phải mất nhiều thời gian để học thêm. Con cái một số người quen của tôi phải học đến hơn 10 giờ tối hàng ngày, mặc dù cháu mới học lớp 1.

Như vậy khó mà đòi hỏi các em còn niềm say mê học tập, khi mà nhu cầu tự nhiên ở lứa tuổi này của các em là chơi và phát triển về thể chất. Theo tôi, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý học đường như tật về mắt hay cột sống phổ biến hiện nay.

Cũng có thể vì các em phải dồn hết thời gian vào việc học nên không còn thời gian để chơi, tiếp xúc với các bạn khác cùng trang lứa; qua đó, manh nha hình thành các kỹ năng giao tiếp xã hội.

Thực tế ở nơi tôi làm việc, khi tiếp xúc với các em sinh viên tới thực tập, có những em thành tích học tập cao nhất trong nhóm chưa chắc đã là những người làm việc hiệu quả.

Vì vậy, tôi không muốn con tôi học giỏi nếu cái giá phải trả cho thành tích học tập là sự nhồi nhét kiến thức với một phần không nhỏ các kiến thức có được không có giá trị thực tiễn cao; nếu cái giá phải trả là việc cháu phải hy sinh thời gian để vui chơi với các bạn cùng trang lứa; nếu cái giá phải trả là áp lực thành tích học tập và áp lực ngay từ trong gia đình; nếu cái giá phải trả là sự mất đi khả năng tư duy độc lập và sáng tạo; nếu cái giá phải trả là thiếu những kỹ năng giao tiếp xã hội, …

Cái tôi mong muốn là con tôi có được niềm đam mê khám phá cái mới, phát triển được khả năng tư duy độc lập, logic và nếu có thể thì sáng tạo, phát triển những kỹ năng xã hội.

Tôi mong mỗi ngày cháu đến trường là một ngày vui, để cháu coi việc đến trường là cơ hội chơi với các bạn, được thực sự học cái mới mà bản thân cháu thấy thú vị. Và hơn hết, cháu sẽ không thấy bị áp lực hay tự ti khi các bạn có thành tích học tập cao hơn mình.

Vậy nên thành tích học giỏi không phải là ưu tiên số một mà tôi trông đợi ở con tôi. Tôi chỉ muốn con tôi lớn lên thành người bình thường.

Những chia sẻ của anh K. đã nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh khác.

Chị Phạm Mai, một phụ huynh tại Hà Nội, chia sẻ: “Từng là một học sinh chuyên nhiều năm liền đi thi học sinh giỏi các cấp, tôi không muốn con mình bị cuốn vào vòng xoáy của học hành, thi cử. Tôi mong con “né” việc thi cử càng nhiều càng tốt.

Cách học và thi hiện nay không giúp được gì nhiều cho các con trong công việc và cuộc sống tương lai. Việc thi cử đang có xu hướng bị coi trọng quá mức, thậm chí đó còn được coi là cách duy nhất để buộc trẻ phải học.

Vì vậy, tôi không chấp nhận con mình phải học giỏi bằng mọi giá. Tôi chấp nhận việc con không đạt điểm cao trong các kỳ thi ở trường, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc để mặc con dốt nát, kém cỏi.

Tôi luôn để con có thời gian tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, học tập và rèn luyện. Tôi hướng con tới việc học thực chất, giúp con hình thành năng lực tự học, một năng lực mà con sẽ cần đến trong suốt cuộc đời để có thể thích ứng với mọi thay đổi bất ngờ trong cuộc sống”.

Cũng từng là người phải chịu áp lực thi cử, học hành trong suốt thời gian phổ thông khi học trường chuyên, chị Mai Thị Hồng cho biết: “Tôi muốn con được học tập trong môi trường an toàn nhất. Do vậy, thay vì ép con học liên tục, tôi rèn cho con khả năng tự học, coi học hành là động lực, niềm vui chứ không phải áp lực.

Con chưa từng lot vào “top” những học sinh dẫn đầu lớp, cũng hiếm khi được cô giáo tuyên dương về thành tích học tập, nhưng con luôn tự tin, vui vẻ, sẵn sàng hát hay “làm trò” trước đám đông. Tôi chấp nhận việc con không giành điểm cao trong các kỳ thi. Tôi chỉ mong con có tư duy độc lập và luôn cảm thấy vui vẻ”.

 



Theo VietNamNet 


áp lực học tập

thi vào lớp 10

trường chuyên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.