Đề văn được cho là dành cho học sinh lớp 10 của trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ với nội dung: "Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi, cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: ‘Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những clip xuyên tạc được thực hiện thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Mặc dư luận "ném đá", giọng ca Từ hôm nay cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô vẫn tiếp tục luyện tập thanh nhạc để chứng minh con đường ca hát mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ ra mắt một MV.
Hãy hóa thân vào nhân vật Chi Pu để "viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay".
Đề văn được cho là của trưởng THPT Hạ Hòa, Phú Thọ gây sốt mạng xã hội
Sau khi đề văn này xuất hiện trên mạng xã hội, đã có hàng nghìn lượt bình luận, khen chê.
Theo tài khoản Hồng Cẩm Trần nhận xét: “Mang tính chất thực tế vậy cũng tốt. Học sinh thoả sức sáng tạo. Nhưng đòi hỏi giáo viên cũng phải chấm theo sự sáng tạo. Chưa khai phóng ngay được thì phải đổi mới từ từ thôi”.
Chủ tài khoản Hoàng Nguyên cũng cho rằng đề văn rất hay: “ Câu nào cũng hay, vì gắn với những việc làm và phát ngôn gây sốc”.
Sau khi Chi Pu tung MV ca nhạc, đã có nhiều ý kiến "ném đá" về giọng hát của cô
Bên cạnh những lời khen thì cũng có không ít lời chế nhạo về đề văn này, “Ngành giáo dục Phú Thọ chắc đầu tư cho Showbiz nhiều nên làm vậy để quảng cáo cho công việc chính là Showbiz chứ không phải giáo dục? Không biết ai ra đề này chắc không biết gì về giảng dạy môn văn?!” – Tài khoản Phan Bằng Danh bình luận.
Còn tài khoản Nam Việt nhận định: “Tại sao không có những đề thi kiểu như ước mơ, nguyện vọng, hoặc nếu bạn là lãnh đạo (ví dụ là Bộ trưởng Giáo dục, hoặc Trưởng ban bảo vệ thanh thiếu niên) thì bạn sẽ làm gì với nền giáo dục nước nhà hoặc nạn bạo hành trẻ em? Rồi chủ đề về lòng yêu nước, hoặc phân tích các bài như Hịch tướng sĩ / Bình Ngô Đại Cáo/ Nam quốc sơn hà, phân tích hình tượng các anh hùng dân tộc từ thời Hai Bà Trưng, đến Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...
Tôi có cảm giác họ muốn học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước chỉ suốt ngày chúi mặt vào mấy chiêu trò nhắng nhít của giới Showbiz mà quên đi thực trạng của nước nhà”.
Thầy Nguyễn Tiến Đường - Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ, cho biết việc ra đề thi trường giao cho các tổ chuyên môn, sau khi làm việc với các thầy cô tổ Văn, nhà trường sẽ thông tin cụ thể đến báo chí.
Theo ý kiến của một giáo viên dạy văn THPT, việc ra đề thi như trên là để đánh giá về khả năng nắm bắt xu thế hoặc hướng đi của học sinh đối với các vấn đề xảy ra trong xã hội ngày nay. Bên cạnh đó, để học sinh bày tỏ quan điểm, ý kiến và thể hiện sự sáng tạo của mình trước những vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều, từ đó giáo viên sẽ rút ra những bài học cho các em.
Mặc dù vậy, giáo viên nên ra đề bài về những nhân vật có sức ảnh hưởng và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội hoặc là một trong những hình mẫu để giới trẻ noi theo. Và quan trọng là những đóng góp của nhân vật đó phải được xã hội thừa nhận.