Đề xuất học sinh nghỉ thứ Bảy: Còn nhiều tranh cãi

Đề xuất học sinh được nghỉ thứ Bảy của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục nhận những ý kiến trái chiều...

Đề xuất học sinh được nghỉ thứ Bảy của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục nhận những ý kiến trái chiều từ nhân dân, chuyên gia giáo dục. Dù đánh giá đây là ý tưởng hay, nhưng nhiều người còn băn khoăn về tính khả thi của đề xuất.

Các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu việc giảm tải chương trình học, để học sinh có thời gian tham gia các sinh hoạt cộng đồng, với gia đình. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Học sinh nghỉ học thứ Bảy là hợp lý, nhưng…

Từ ngày 21.8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bắt đầu tổ chức những buổi lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có việc: Nên hay không cho học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy, đưa đề xuất này vào Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi? Dự thảo Luật sẽ được thảo luận ở kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5.2019.

Về đề xuất này, hiện có nhiều quan điểm trái chiều. Theo bà Phan Thị Thu Hà - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đồng Tháp, đề xuất cho học sinh không học thứ Bảy là hợp lý bởi nhiều lý do.

“Có những điều bất hợp lý đang xảy ra, trong khi các sở, ban ngành đều nghỉ thì trường lại làm việc. Nếu có chuyện gì đó xảy ra rất khó giải quyết. Mặt khác, việc nghỉ thứ Bảy là cơ hội để giáo viên sẽ có trọn một ngày làm công tác đảng, đoàn thể, sinh hoạt chuyên môn. Học sinh cũng có thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình”- bà Phan Thị Thu Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bà Hà, để thực hiện được điều này cần có sự đồng bộ từ Bộ GDĐT - nơi quy định về nội dung, chương trình để giúp các trường mạnh dạn thực hiện.

“Những trường dạy học 2 buổi/ngày sẽ dễ dàng thực hiện việc này, còn những nơi học 1 buổi/ngày thì chẳng có cách nào. Trừ phi các chuyên gia phải làm lại chương trình giáo dục theo hướng giảm tải” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Đánh giá đề xuất học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy là hay, ý nghĩa, nhưng TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – còn nhiều băn khoăn.

Ông cho biết, hiện nay thời gian học tập của học sinh phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm, số tiết/tuần. Các địa phương sẽ căn cứ vào số tiết này để sắp xếp lịch học các ngày trong tuần cho phù hợp, dù nghỉ lễ cũng phải tổ chức dạy bù để đảm bảo đúng số tiết đã được quy định. Do đó, sẽ rất khó để thực hiện việc cho học sinh nghỉ vào ngày thứ Bảy.

Cần đổi mới sách giáo khoa theo hướng giảm tải

Trong những năm qua, dư luận đã nhắc nhiều đến việc học sinh phải học quá nhiều kiến thức hàn lâm mà vẫn thiếu những kỹ năng sống cần thiết. Câu chuyện áp lực học tập, thi cử, điểm số đè nặng lên cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Việc làm sao để học sinh phải học ít đi nhưng chất lượng hơn, thay vì mệt mỏi vì bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức… đã được đặt ra và bàn luận.

Theo TS Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc cho học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy là cần thiết, sẽ tốt cho cả học sinh và giáo viên.

Trong khi đội ngũ công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước được nghỉ ngày thứ Bảy, còn trường học vẫn phải làm việc. Học sinh và giáo viên vẫn phải đi dạy và học ngày này, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của nhiều gia đình.

"Chúng ta không thể đặt vấn đề giảm một cách cơ học từ 6 ngày xuống 5 ngày, hay giảm số giờ học, tiết học, mà đề xuất cho học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy cần gắn với đổi mới chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải"- TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu đề xuất này được thực hiện, nó giống như việc ban hành một chính sách mới trong giáo dục. Và trước khi ban hành, đề xuất sẽ phải đánh giá tác động, cũng như lấy ý kiến của nhân dân, phụ huynh trên cả nước.

Theo Lao động


Luật Giáo dục

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.