Đường lưỡi bò lọt vào giáo trình đại học: Kẽ hở trong thẩm định

Việc đường lõi bò lọt vào giáo trình của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy kẽ hở trong việc thẩm định và sử dụng tài liệu dạy học ở bậc đại học.

Việc đường lõi bò lọt vào giáo trình của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy kẽ hở trong việc thẩm định và sử dụng tài liệu dạy học ở bậc đại học.
 

Giáo trình có đường lưỡi bò, nhà trường đổ lỗi

Bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện trong bài 7 của cuốn sách “Developing Chinese” do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành. Đầu năm học 2019-2020 Khoa Trung - Nhật, Trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội đưa giáo trình này vào giảng dạy nhưng vẫn không phát hiện ra điều này cho tới lúc sinh viên phản ánh.

Đường lưỡi bò lọt vào giáo trình đại học: Kẽ hở trong thẩm định-1

Đường lưỡi bò lọt vào giáo trình Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Ảnh: Tiền phong)

Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết, hiện nhà trường đã thông báo thu hồi và tiêu hủy giáo trình của tất cả các lớp.

Về việc lọt hình ảnh đường lưỡi bò trong giáo trình, ông Hóa cho hay, trách nhiệm này thuộc về nhà nước chứ không phải nhà trường.

“Chúng tôi không soạn giáo trình này và có soạn cũng không đưa bản đồ như vậy”, ông Hóa nói và cho rằng, cần phải có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài.

Tuy nhiên, trước câu trả lời của ông Hóa, nhiều giảng viên, chuyên gia giáo dục nhìn nhận đây là thái độ chối bỏ trách nhiệm. Việc sử dụng giáo trình có hình "đường lưỡi bò" lỗi lớn thuộc về ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chứ không phải cơ quan nào khác.

TS Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, để hình ảnh "đường lưỡi bò" len lỏi vào giáo trình, trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường.

“Đơn vị nào lựa chọn thì đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, để sách lọt qua có thể do đơn vị phê duyệt cuốn sách trở thành giáo trình ấy còn hời hợt trong khâu thẩm định, trong khi khâu này vốn phải được thực hiện chặt chẽ và nghiêm ngặt”.

TS Lập cho biết, tại Viện Quốc tế Pháp ngữ hiện đang liên kết đào tạo với Pháp và giáo trình cũng là của các trường đối tác đang giảng dạy. Nhưng trước khi đưa giáo trình vào sử dụng, Viện cũng phải làm hồ sơ gửi lên ĐH Quốc gia Hà Nội, trong đó ghi rõ giảng viên giảng dạy, nội dung giảng dạy, giảng dạy tài liệu gì,…

“Chỉ khi Ban đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội thẩm định và phê duyệt thì tài liệu, giáo trình mới có thể được đưa vào giảng dạy. Ngoài ra, với những tài liệu này sẽ có thêm Trung tâm kiểm định chất lượng thẩm định thì mới chặt chẽ và đảm bảo chất lượng”.

Đồng tình quan điểm này, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, với những ngành học sử dụng giáo trình của nước ngoài, nhà trường phải là đơn vị trực tiếp thẩm định.

Cụ thể, tài liệu muốn trở thành giáo trình của một môn học trước tiên Hội đồng khoa học của khoa/ ngành ấy phải thậm định trước. Sau đó đến cấp trường, nhà trường sẽ giao cho ít nhất hai chuyên gia độc lập để thẩm định. Tiếp theo sẽ trình ra Hội đồng khoa học đào tạo của nhà trường. Như vậy, một cuốn sách muốn đưa vào thành giáo trình phải trải qua ít nhất 3 cấp.

“Việc để lọt hình ảnh đường lưỡi bò vào trong giáo trình trách nhiệm chắc chắn thuộc về nhà trường. Bởi thực tế nhà nước chỉ đưa ra chủ trương, chính sách chứ không can thiệp quá sâu vào hoạt động trường. Trường nói rằng đây là trách nhiệm của nhà nước là đang chối bỏ trách nhiệm của mình”

Các trường thẩm định giáo trình như thế nào?

Thông tư ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học (Điều 13) nêu rõ: Hội đồng Khoa học - Đào tạo Khoa đề xuất danh mục giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn.

Hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn, duyệt danh mục giáo trình đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng, hiệu trưởng xem xét và quyết định.

Hiệu trưởng có trách nhiệm xin phép chủ biên, tập thể tác giả hoặc cá nhân nhà khoa học và cơ sở đào tạo đã biên soạn để được sử dụng giáo trình theo quy định về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, có nhiều trường ĐH đào tạo liên quan tới Trung Quốc. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng cho hay, có hai khoa liên quan tới Trung Quốc là khoa Ngữ văn Trung Quốc (ngành ngôn ngữ Trung Quốc) và khoa Đông phương học (ngành Trung Quốc học).

Theo ông Hạ, việc thẩm định giáo trình ở trường phải qua nhiều bước. Sau khi các khoa thực hiện biên soạn hay nhập giáo trình trường sẽ thành lập hội đồng thẩm định rồi mới quyết định có được xuất bản không. Với những giáo trình liên quan tới Trung Quốc được biếu hay tặng càng phải xem xét kỹ càng.

“Cách đây mấy năm chúng tôi đã phát hiện đường lưỡi bò trong giáo trình liên quan tới Trung Quốc. Đó là giáo trình được tặng và chúng tôi đã không đưa những giáo trình này ra phục vụ giảng dạy- ông Hạ cho hay.

Ông Hạ cho hay những giáo trình liên quan tới Trung Quốc càng phải xem xét kỹ, kể cả những bài viết liên quan tới Trung Quốc, đã xuất bản bằng tiếng Việt, vì họ đưa những thông tin không đúng vào rất tinh vi.

“Nếu phát hiện chúng tôi xử lý bằng cách không sử dụng, hặc yêu cầu phía đối tác bỏ phần này đi. Nếu họ đồng ý bỏ thì trường sẽ đưa ra sử dụng còn nếu không thì chúng tôi sẽ bỏ cả giáo trình”- ông Hạ cho hay.

Tại Trường ĐH Nha Trang, việc duyệt giáo trình tài liệu được thực hiện rất chặt chẽ. Ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo cho hay để có sản phẩm học thuật có chất lượng, có hai cách thức duyệt giáo trình.

Đối với việc biên soạn, biên dịch và xuất bản giáo trình, tài liệu theo quy trình phát triển tài liệu của trường, sẽ được qua 4 bước. Cụ thể, Bước 1 là hàng năm trường sẽ thông báo về các khoa để GV đăng ký biên soạn, biên dịch giáo trình. Hội đồng KH- ĐT cấp khoa (HĐ Khoa) sẽ họp xét chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để gửi danh sách lên Phòng Đào tạo ĐH.

Ở Bước 2, Phòng Đào tạo ĐH tổng hợp danh sách từ khoa gửi lên, phân ra thành các nhóm lĩnh vực để trình cho các tiểu ban của HĐ KH- ĐT cấp trường xem xét lựa chọn trình hiệu trưởng phê duyệt và ký hợp đồng biên soạn và xuất bản tài liệu (Tiểu ban Kinh tế, Kinh doanh; Xã hội nhân văn; Thủy sản; Kỹ thuật).

Tới Bước 3, Ban biên soạn giáo trình tài liệu hoàn thành và gửi lên Phòng đào tạo ĐH để thẩm định (thông qua Hội đồng thẩm định, có tối thiểu 1 thành viên ngoài trường). Nếu là giáo trình và sách chuyên khảo, trường sẽ gửi đi phản biện kín tài liệu (giống như cách phản biện kín của 1 luận án tiến sĩ).

Cuối cùng Bước 4, hiệu trưởng căn cứ vào kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, ký quyết định ban hành tài liệu và đưa đi xuất bản.

Theo ông Phương, với quy trình này ban biên soạn sẽ được hưởng chế độ theo quy chế chi tiết nội bộ. Cụ thể, được 3 giờ chuẩn/1 trang tác giả, được hỗ trợ phí xuất bản, in ấn, được tính thành tích thi đua cuối năm học và ghi nhận công trình để xét GS, PGS. Có các tác giả được hưởng chế độ công biên soạn và chi phí in ấn giáo trình lên đến 80 triệu/tài liệu.

Cách thứ hai, nếu giáo trình đã được giảng viên chủ động biên soạn và xuất bản bên ngoài và muốn đưa vào sử dụng dạy –học cho sinh viên trong trường thì nộp về Phòng đào tạo ĐH để làm thủ tục thẩm định. Trong trường hợp này trường thành lập hội đồng thẩm định để xem xét đủ điều kiện lưu hành trong trường.

Ông Tô Văn Phương cho hay, sắp tới trường sẽ có chương trình ngôn ngữ Anh – Trung bởi hiện nay rất nhiều sinh viên của trường quan tâm và học tiếng Trung rất nhiều. Chính vì vậy công tác thẩm định giáo trình sẽ được đặc biệt quan tâm.

“Trong quy trình thẩm định tài liệu mà giảng viên biên soạn, đăng ký tài trường thì thậm chí phải có phản biện kín. Còn tài liệu nào của giảng viên tự biên soạn và xuất bản rồi đi chăng nữa thì trường vẫn thành lập HĐ thẩm định để xem lại. Nếu không đảm bảo chất lượng hoặc sai sót thì tuyệt đối không cho lưu hành hoặc làm giáo trình dạy môn học trong chương trình đào tạo, dù giáo tình này đã in ấn hay xuất bản”- ông Phương nói.
 

 

Theo VietNamNet


giáo trình đại học

đường lưỡi bò


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.