Sửa điểm, nâng điểm cho hàng loạt học sinh
Thói tham lam, đạo đức giả của bộ phận cán bộ quản lý giáo dục là căn nguyên chính của bệnh chạy đua theo thành tích ảo hiện nay.
Có chuyện vị lãnh đạo trường nọ duy ý chí đến mức buộc chỉ tiêu, tỉ lệ học sinh khá, giỏi…của nhà trường năm sau phải cao hơn năm trước.
Hay việc học sinh lớp 6 không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp là những câu chuyện cười ra nước mắt trong ngành giáo dục.
Tất cả đều có thể gói gọn trong 3 từ "bệnh thành tích".
Hàng loạt học sinh lớp 12 D4, trường THPT Trần Phú được sửa điểm/nâng điểm bất thường (ảnh: QUỐC TOẢN). |
Mới đây, trong đơn gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh học sinh trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh về việc giáo viên nhà trường bất ngờ sửa và nâng điểm cho hàng loạt học sinh lớp 12 D4, môn Vật lý.
Các bằng chứng có được cho thấy, phản ánh trên là có cơ sở.
Cụ thể, tại bảng điểm của lớp 12 D4, học kỳ 1, năm học 2016-2017, môn Vật lý do thầy giáo Đỗ Văn Thành giảng dạy, có tới 11/44 học sinh được sửa điểm, nâng điểm ở thang điểm kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút (điểm hệ số 1) và điểm hệ số 2.
Theo đó, tại điểm hệ số 1 (kiểm tra miệng và 15 phút), học sinh đạt điểm kém, điểm yếu (điểm 3, 4) được nâng lên mức điểm giỏi (điểm 8, 9); học sinh có mức điểm trung bình khá, điểm khá (điểm 6, 7) được nâng thành mức giỏi (điểm 8, 9).
Tương tự tại điểm hệ số 2, hầu hết số điểm từ trung bình, trung bình khá, khá (điểm 5, 6, 7) cũng được giáo viên sửa/nâng lên điểm giỏi (điểm 8, 9).
Số học sinh nói trên chủ yếu được sửa, nâng hai lần điểm (điểm kiểm tra 15 phút (hệ số 1) và nâng điểm hệ số 2.
Cá biệt trong số này có học sinh tên L.N.H. được sửa điểm tới 3 lần ở cả hai hệ số điểm 1 và 2, từ mức điểm trung bình khá, điểm khá (6, 7) được sửa/nâng lên thành mức giỏi (điểm 8).
Điều này khiến số điểm tổng kết trung bình môn Vật lý của học sinh lớp 12 D4, trường THPT bị thay đổi khá nhiều.
Nhiều phụ huynh học sinh bức xúc: "Hành vi trên của giáo viên trường THPT Trần Phú khiến nhiều học sinh học thật, thi thật chịu thiệt thòi.
Trong khi đó, những em không có năng lực thực sự thì được ưu ái quá mức. Điều này tạo ra sự thi đua không lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường giáo dục chỉ vì bệnh thành tích", một phụ huynh đề nghị giáo giấu tên cho biết.
Cũng theo phản ánh của vị phụ huynh này, trong số 11 học sinh được sửa điểm, nâng điểm có nhiều em đang học thêm với thầy Đỗ Văn Thành.
Do đó, có thể đây là nguyên nhân khiến giáo viên này "ưu ái"nâng điểm/sửa điểm cho học trò?
"Những học sinh đi học thêm của thầy thì thầy nâng điểm lên hết, còn học sinh nào không học thêm thì thầy tự cho điểm thấp vào sổ", một phụ huynh thắc mắc.
Sửa điểm để làm đẹp hồ sơ
Liên quan tới vụ việc nói trên, hôm 6/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đức Doanh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú khẳng, việc ông Đỗ Văn Thành, giáo viên Vật lý sửa lại điểm cho hàng chục học sinh là sai nguyên tắc, nhưng đó là “vì cái tâm của người thầy”.
“Sau khi nắm bắt được phản ánh của giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu giáo viên Đỗ Văn Thành giải trình về việc sửa điểm/nâng điểm cho học sinh.
Theo giải trình của thầy Thành, một số học sinh sau khi kiểm tra bị điểm thấp nên đã xin giáo viên bộ môn kiểm tra bổ sung để cải thiện điểm học kỳ 1.
Theo đó, việc sửa điểm này dựa trên điểm kiểm tra bổ sung.
Nếu nói về nguyên tắc thì điều này không đúng vì trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép thầy giáo làm điều này.
Nhưng đây là nguyện vọng của học sinh, do vậy những học sinh nào có muốn thi lại để nâng điểm thì thầy tạo điều kiện chứ không phải giáo viên làm việc này một cách dấm dúi.
Việc thi lại để sửa điểm được thực hiện ngoài giờ học chính khóa", ông Doanh cho biết.
Trường THPT Trần Phú (ảnh: QUỐC TOẢN). |
Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cũng thừa nhận có sai sót khi giáo viên sửa điểm, nâng điểm cho học sinh không đúng nguyên tắc, nhưng phủ nhận dấu hiệu tiêu cực trong vụ việc (tức là phủ nhận mối liên hệ giữa việc nâng điểm và việc học thêm của học sinh).
“Với những sai sót trên, chúng tôi sẽ thực hiện kiểm điểm nội bộ.
Nếu phát hiện có tiêu cực thì lúc đó mình xử lý hay hơn. Bởi vì đây (sửa điểm, nâng điểm) cũng vì cái tâm của người thầy.
Hiện nay, một số trường Đại học tiến hành xét tuyển thí sinh thông qua hồ sơ. Trong khi đó, học sinh cứ tha thiết xin kiểm tra lại để cải thiện điểm trong hồ sơ, mà mình không đáp ứng nguyện vọng của các em thì rất khó coi...”, ông Doanh nói.\
Theo Giáo dục Việt Nam