Nhói lòng cảnh cơm trắng không thức ăn của trò nghèo vùng cao

"Nhìn âu cơm chỉ toàn màu trắng của đám trẻ, nghĩ đến hai cái tủ ngập thịt cá ở nhà, hai đứa con không chịu ăn, tôi cứ nghẹn giọng, không nói được", anh Phạm Ngọc Dương chia sẻ.

"Nhìn âu cơm chỉ toàn màu trắng của đám trẻ, nghĩ đến hai cái tủ ngập thịt cá ở nhà, hai đứa con không chịu ăn, tôi cứ nghẹn giọng, không nói được", anh Phạm Ngọc Dương chia sẻ.

Điểm trường Chí Thì (xã Yên Cường, Bắc Mê, Hà Giang) có khoảng 60 học sinh, chia thành một lớp mẫu giáo và 4 lớp tiểu học. Hoàn cảnh các em rất khó khăn.

Ngày 13/3, sau chuyến đi Hà Giang, anh Phạm Ngọc Dương (Hà Nội) đăng tải clip bữa ăn không có thịt của học sinh vùng cao lên Facebook cá nhân. Clip nhanh chóng nhận được nhiều bình luận và chia sẻ, bày tỏ sự xót xa cho điều kiện ăn ở của học sinh dân tộc.

Xót xa cơm trắng, không thức ăn

Clip ghi lại giờ ăn trưa tại một lớp học ở miền núi. Phòng học bằng gỗ tuềnh toàng ''mặc kệ'' gió lùa. Học sinh còi cọc trong những bộ quần áo cũ đủ loại. Trước mặt mỗi em là một cặp lồng đựng cơm không thức ăn, đám trẻ cứ thế xúc.

Anh Dương cho biết địa điểm xuất hiện trong clip là điểm trường Chí Thì thuộc xã Yên Cường, Bắc Mê, Hà Giang.

Nhoi long canh com trang khong thuc an cua tro ngheo vung cao hinh anh 1
Điểm trường Chí Thì có khoảng 60 học sinh, chia thành một lớp mẫu giáo và 4 lớp tiểu học. Số giáo viên là 5 người. Mỗi cô giáo phải vừa dạy học vừa kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe cho các em.

Trao đổi vớiZing.vn, thầy Phạm Văn Thể, hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Cường 2, người phụ trách điểm trường Chí Thì và 3 điểm trường khác ở xã trên, cho biết Chí Thì là điểm trường đặc biệt khó khăn. 100% học sinh là người đồng bào dân tộc H'Mông. Nhiều năm qua chỉ có 5 giáo viên phụ trách tại điểm trường này với khoảng 60 học sinh.

Bản Chí Thì có 58 hộ, hầu hết đều thuộc diện đói nghèo. Kinh tế kém phát triển do địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Người dân chủ yếu trồng ngô và lúa nhưng năng suất rất thấp.

Nhà của các em thường không có gì giá trị ngoài vài cái xoong, nồi méo mó. Nhà nào nhiều nhất cũng chỉ có 3-4 kg gạo. Những chiếc cặp lồng cơm cũ kỹ giống hệt nhau là quà tặng của một dự án thiện nguyện. Trước đó, bữa ăn được các em để trong túi nylon.

Một lần vào bản thăm học trò, thầy Thể thấy những đứa trẻ đang lật từng hòn đá để bắt những con nhái. ''Sắp đến mùa mưa rồi'', lũ trẻ reo lên. Mùa mưa, thi thoảng trong âu cơm của các em có thêm con nhái, hoặc vài miếng măng rừng. Nhưng cũng mùa mưa, đường đến trường thêm lầy lội, mỗi lớp lại hụt mất vài học sinh.

'Lẽ ra còn chẳng có cơm'

Điều kiện đi lại khó khăn khiến học sinh trong xã không thể tập trung đầy đủ tại trường chính. Nhiều em phải học rải rác ở các điểm trường. Học sinh ở điểm trường không thuộc diện nội trú nên không được cấp tiền ăn.

Thầy Thể cho biết nhiều học sinh ở đây chỉ ăn ngô, lẽ ra còn chẳng có cơm. Nhưng may mắn vừa qua có nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, mỗi học sinh nghèo được hỗ trợ hơn 100 nghìn đồng/tháng. Số tiền này đa phần dùng để mua gạo cho cả gia đình.

Vì ăn uống thiếu dinh dưỡng nên lũ trẻ cứ còi cọc không lớn được. Ngân sách thiếu thốn, nhà trường chỉ biết kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, thỉnh thoảng mới tổ chức được một buổi nấu cơm có thịt.

"Niềm vui khi nhìn thấy miếng thịt của học sinh ở đây không thể diễn tả bằng lời'', thầy Thể tâm sự.

Qua nhiều năm vận động, đến nay, người dân trong các thôn bản đã nhận thức rõ sự cần thiết phải cho con cái ăn học. Có những học sinh mỗi ngày phải đi bộ hơn 4 giờ để lấy cái chữ nhưng vẫn không bỏ học. Nhận thức đã thay đổi, chỉ có cái nghèo là vẫn dai dẳng bám lấy người dân.

Theo Zing

hoàn cảnh khó khăn

Hà Giang

học sinh miền núi

học sinh vùng cao


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.