Nữ sinh không tay ước mơ vào đại học

Ở cụm thi Thanh Hóa, Lê Thị Thắm là thí sinh đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Em sinh ra không có đôi tay nhưng đã hoàn thành 12 năm học với đôi chân viết chữ khéo léo.

Ở cụm thi Thanh Hóa, Lê Thị Thắm là thí sinh đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Em sinh ra không có đôi tay nhưng đã hoàn thành 12 năm học với đôi chân viết chữ khéo léo.

>>Nghị lực phi thường của cậu sinh viên cụt tay, cụt chân

Những ngày này, trong căn nhà nhỏ ở thôn Đoàn Kết (xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), nữ sinh Lê Thị Thắm đang ôn tập nước rút cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 (diễn ra từ ngày 1 đến 4/7).

Thắm là một trong những thí sinh đặc biệt của kỳ thi năm nay. Em sinh ra không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa, bị khuyết tật bẩm sinh, không có đôi tay.

"Ngày sinh cháu ra, cả nhà như chết lặng. Tôi bế con trên tay mà nước mắt không ngừng rơi vì thương và lo lắng cho tương lai của nó" – chị Nguyễn Thị Tình (38 tuổi, mẹ Thắm) tâm sự.

Người mẹ bảo cũng may khi lớn lên, Thắm có thể tự sinh hoạt cá nhân, giúp làm việc nhà bằng đôi chân khéo léo. Đến tuổi đi học, em thấy bạn bè trong xóm đến trường, liền đòi bố mẹ cho đi học. Chiều ý con, chị Tình hàng ngày đạp xe đưa con gái đến trường.

"Nghĩ đi học cho vui thôi, ai ngờ cháu tập cầm bút, viết được chữ bằng chân" – chị Tình nói.

Nữ sinh kể, những ngày đầu cầm bút tập viết, chân em đau nhức, nét chữ nguệch ngoạc trượt dài trên trang giấy.

"Em tập mãi rồi dần cũng thành quen. Đến lớp 2, em viết chữ đẹp hơn. Khi viết được, em lại có ý định bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn" – Thắm kể.

Nu sinh khong tay uoc mo vao dai hoc hinh anh 1
Thắm viết chữ bằng đôi chân khéo léo. Ảnh: Nguyễn Dương.

Những năm tháng đó, mẹ luôn ở bên và động viên con gái vượt qua tất cả. Từ năm cấp 1 đến hết lớp 12, nữ sinh đều được mẹ đưa đến trường. "Tôi bỏ hết công việc để tập trung chăm lo cho cháu, chỉ làm được ruộng vườn, chăn nuôi trong nhà" – người mẹ kể.

Sau Thắm còn một em trai đang tuổi đến trường, gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết lên vai người bố. Nhưng vợ chồng chị Tình vẫn quyết tâm nuôi các con ăn học.

Không phụ công lao của bố mẹ, suốt 12 năm học, Lê Thị Thắm luôn cố gắng và đạt nhiều thành tích.

Năm lớp 3, em đoạt giải nhì cuộc thi vẽ tranh Hội người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa; lớp 5 giành giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp do huyện tổ chức. Cùng năm đó, nữ sinh đoạt giải xuất sắc thi viết chữ đẹp ở tỉnh.

Từ năm lớp 1 đến lớp 12, em liên tiếp đạt danh hiệu học sinh khá giỏi và nhận nhiều giải thưởng, bằng khen và học bổng về nghị lực sống.

Không những viết chữ, vẽ tranh và làm nhiều việc, nữ sinh còn dùng laptop thành thạo bằng đôi chân.

Nu sinh khong tay uoc mo vao dai hoc hinh anh 2
Thắm đạt nhiều thành tích trong trong tập và các cuộc thi. Ảnh: Nguyễn Dương.

Về kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra, nữ sinh cho hay, em đăng ký xét tuyển khối D (3 môn: Toán, Văn, Anh) vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa.

"Lúc nhỏ, em dự định học ngành về Công nghệ Thông tin nhưng lớn lên em ước được làm cô giáo. Học xong, em có thể về nhà mở lớp dạy cho các em nhỏ trong xóm. Làm việc gần nhà, em cũng có thể giúp đỡ nhiều việc cho bố mẹ" – nữ sinh chia sẻ.

Gần đến ngày thi, Thắm tâm sự khá hồi hộp và lo lắng. "Các bạn bình thường nếu không đỗ đại học có thể đi học nghề nhưng em thì không. Em chỉ có con đường học để thực hiện ước mơ của mình" - nữ sinh tâm sự và cho hay, đó vừa là áp lực cũng là động lực để em quyết tâm đỗ đại học.

Theo Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh tự thi THPT quốc gia năm 2016 là 887.396 (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015). Số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 286.129, đạt tỷ lệ 32% (năm 2015 là 28%).

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.

Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.


Theo Zing

thi đại học

người khuyết tật

những tấm gương vượt khó


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.