Thưởng Tết: Giáo viên thành phố xót xa cho đồng nghiệp

"Khi nói chuyện với các đồng nghiệp dạy ở vùng sâu, vùng xa, nghe họ chia sẻ họ không có khái niệm “thưởng Tết” bao nhiêu năm nay rồi, lúc ấy sống mũi tôi thực sự cay cay" - Một giáo viên sống tại TP.HCM chia sẻ.

"Khi nói chuyện với các đồng nghiệp dạy ở vùng sâu, vùng xa, nghe họ chia sẻ họ không có khái niệm “thưởng Tết” bao nhiêu năm nay rồi, lúc ấy sống mũi tôi thực sự cay cay" - Một giáo viên sống tại TP.HCM chia sẻ.

Thưởng Tết: Giáo viên thành phố xót xa cho đồng nghiệp - 1

Giáo viên vùng sâu vùng xa vốn đã quen với cái Tết không có thưởng

Về thưởng Tết cho giáo viên, TS. Nguyễn Xuân Sang – Hiệu phó Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương Mại Hà Nội cho hay: “Năm nay nhà trường cố gắng hết sức để có một khoản gọi là thưởng Tết, giúp chăm lo đời sống cho cán bộ giảng viên.

Để có được khoản nhỏ động viên anh em, nhà trường đã phải “thắt lưng, buộc bụng” tiết kiệm từng khoản nhỏ nhất. Năm nay, mỗi cán bộ giảng viên của nhà trường sẽ được thưởng Tết một tháng lương và còn tùy vào hiệu quả công việc của mỗi người. Tuy nhiên, sự chênh lệch về hiệu quả công việc giữa các giảng viên cũng lớn nên số tiền thưởng cũng theo đó mà chênh nhau. Giảng viên thưởng cao nhất sẽ được khoảng hơn 10 triệu đồng”.

Một giáo viên tiểu học tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Tết của giáo viên ở TP.HCM chắc là bớt “thê thảm” nhất so với các tỉnh khác. Tết Nguyên đán hàng năm, chúng tôi vẫn nhận được quà Tết của đại diện thành phố là 2 triệu/giáo viên. Ngoài ra, UBND quận cũng “động viên” chúng tôi thêm mỗi người 1,5 triệu đồng.

Phía nhà trường, giáo viên được xếp theo loại A, B, C. Với loại A, tức là giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều thành tích thì được “thưởng” 500 nghìn đồng. Tương tự như vậy, với mức xếp loại hạng B thì được “thưởng” 350 – 400 nghìn và loại C là 200 nghìn đồng.

Khi nói chuyện với các đồng nghiệp dạy ở vùng sâu, vùng xa, nghe họ chia sẻ họ không có khái niệm “thưởng Tết” bao nhiêu năm nay rồi, lúc ấy sống mũi tôi thực sự cay cay. Cũng là giáo viên nhưng mình thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp khác.

Đành rằng xác định chọn nghề là biết sẽ nghèo, sẽ bạc nhưng dù sao “10 đồng tiền công chẳng bằng một đồng tiền thưởng. Thưởng Tết dù là chút ít nhưng chúng tôi cũng thấy bớt tủi”.

Nói về chuyện thưởng Tết, cô Đỗ Thị Hằng – giáo viên trường Tiểu học Thạch Lập 1, Thanh Hóa cho hay: “Thường vào cuối năm, công đoàn của trường sẽ trích ra một phần tiền nhỏ để tặng các thầy cô cuốn lịch hay cân đường làm thưởng Tết.

Người ta bảo “phú quý sinh lễ nghĩa”, người dân ở đây họ còn khó khăn lắm, họ còn chưa đủ sức lo Tết cho gia đình thì làm gì có thời gian nghĩ đến giáo viên được nữa.

Tôi dạy ở đây hơn chục năm nay, đã quá quen với điều đó. Nhiều khi chứng kiến cảnh gần Tết, phụ huynh lếch thếch đi vay tiền mua lương thực mà rơi nước mắt. Nên việc không có thưởng Tết chúng tôi thấy bình thường.

Thế nhưng, thường thì phụ huynh nghèo hay sống tình cảm. Ngày Tết, nếu giáo viên đi thăm họ hàng mà ở gần nhà phụ huynh, phụ huynh nhìn thấy thế nào cũng kéo bằng được vào nhà chơi và trong nhà có gì là mang hết ra tiếp đón, không bao giờ tính toán điều gì. Chỉ thế thôi, những giáo viên vùng sâu, vùng xa như chúng tôi thấy có một cái Tết ấm áp”.

Theo Hoàng Thanh (Infonet)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.