Trường chuyên Hà Nội Amsterdam ngang nhiên kinh doanh thuốc lá trong trường học

Các bậc cha mẹ của những đứa trẻ nghiện ngập thuốc lá vẫn hằng ngày lo lắng, bất an về tương lai của con mình.

Một ngôi trường bề thế, hiện đại, luôn đứng đầu về thành tích, chất lượng giáo dục, một trong những dự án trọng điểm chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của ngành giáo dục Thủ đô… đã và đang bị biến thành nơi kinh doanh. Trong đó, người ta bán cả thuốc lá – thứ Nhà nước tuyệt đối cấm kinh doanh trong trường học.

Trường học kinh doanh chất kích thích

Thuốc lá, bia… được xếp vào nhóm chất gây nghiện. Đặc biệt thuốc lá được cảnh báo có hại cho sức khỏe của người sử dụng và cả những người ngửi phải khói thuốc.

Tại Việt Nam, có nhiều quy định về việc cấm bán thuốc lá cho trẻ em. Khoản 8 Điều 42 Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá có nêu rõ: Hành vi bán thuốc lá tại khu vực công sở, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, nhà biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nhà thi đấu thể thao là vi phạm pháp luật.

Ấy vậy, tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vẫn ngang nhiên kinh doanh những chất kích thích này, ở khu thể chất - trong khuôn viên nhà trường – địa điểm vẫn được tuyên truyền là nơi phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao cho học sinh, giáo viên và cán bộ trường Amsterdam.

Theo phản ánh của tập thể phụ huynh có con đang học tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (các khối lớp 7, 8, 10, 11, 12), nhiều tháng nay, lãnh đạo nhà trường đã biến khu thể chất trường học thành nơi kinh doanh đủ thứ, nhiều dịch vụ. Họ đau đớn nhận mình là phụ huynh của những đứa trẻ đang bị nghiện thuốc lá nặng, tiêm nhiễm các thói hư tật xấu. Họ phẫn nộ khi nghe con kể có thể dễ dàng mua thuốc lá ở ngay trong trường học – môi trường vẫn được xem là an toàn, lành mạnh, thân thiện nhất với những đứa trẻ.

“Từ một ngôi trường có cơ sở vật chất và văn hóa hàng đầu Hà Nội, nay trở thành một môi trường kinh doanh hàng hóa, trong đó điển hình là việc kinh doanh thuốc lá trong trường học, dẫn đến các con chúng tôi đang bị vướng vào tật xấu nguy hiểm… Về việc này, tập thể giáo viên và phụ huynh đã có ý kiến với nhiều cơ quan, nhưng vụ việc đang có dấu hiệu chìm xuồng để xử lý nội bộ’ – đơn tố cáo của phụ huynh có con học ở Trường Amsterdam nêu rõ.

Các bậc cha mẹ của những đứa trẻ nghiện ngập thuốc lá vẫn hằng ngày lo lắng, bất an về tương lai của con mình. Đơn đã được gửi đi nhiều cấp ngành của Hà Nội, nhưng đến nay họ vẫn thấp thỏm chờ hồi âm.

Chưa được phê duyệt, đã biến khu thể chất thành nơi kinh doanh

Cuối tháng 9.2017, theo đơn phản ánh của tập thể phụ huynh, chúng tôi đã đến Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (số 1 Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm hiểu. Chúng tôi dễ dàng vào khu thể chất của trường bằng cổng sau và tận mắt chứng kiến các mặt hàng như thuốc lá đang được bày bán công khai tại quầy dịch vụ.

 

Thuốc lá được bày bán công khai tại quầy dịch vụ của khu thể chất Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

 
 
 

Ngoài thuốc lá còn có cả bia... nhưng đến cuối tháng 9.2017 - thời điểm các đoàn kiểm tra của Hà Nội tới thanh kiểm tra, mọi dấu vết đã được "xóa sạch". 

Thế nhưng, sau khi phụ huynh “kêu cứu” tới các ban ngành của Hà Nội, thì mọi dấu vết đã được “xóa sạch” tại thời điểm bắt đầu kiểm tra.

Tại biên bản kiểm tra hiện trạng cơ sở vật chất Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam ngày 27.9.2017, giữa Sở GDĐT Hà Nội và đại diện Trường kết luận: Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam liên kết với Công ty CP Thể thao và Giải trí Long Sơn để kinh doanh các dịch vụ trong khu thể chất của trường là đúng theo quy định, chủ trương thí điểm dịch vụ công.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Lao Động, tháng 8.2017, UBND TP.Hà Nội có Công văn số 3824/UBND-KT thông báo danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN. Trong danh sách này có trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Sau đó Ban giám hiệu nhà trường mới trình đề án lên các cấp thẩm quyền phê duyệt kinh doanh liên kết. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản nào của UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho nhà trường biến khu thể chất thành nơi kinh doanh, hay liên kết với các đối tác tư nhân để kinh doanh các dịch vụ tại đây.

Thế nhưng, trường đã ký hợp đồng nguyên tắc với Cty CP giải trí Long Sơn từ tháng 4.2017. Và trong 6 tháng qua, phụ huynh có con học ở trường đã lo lắng thế nào, khi nơi họ tin tưởng gửi gắm con em vào, lại kinh doanh cả chất kích thích.

 

 Khu thể chất Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam có đặt cả bàn bi-a để phục phụ khách.

Để rộng đường dư luận, sáng 19.10, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Vinh – Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng là người phát ngôn của nhà trường. Ông Vinh thừa nhận: “Từ tháng 4.2017, nhà trường thực hiện thí điểm hợp tác với Công ty CP Thể thao và Giải trí Long Sơn khai thác toàn bộ khu thể chất. Thời gian mà công ty này được sử dụng với mục đích kinh doanh là ngoài giờ hành chính. Riêng trong thời gian nghỉ hè, công ty được khai thác toàn thời gian do trường nghỉ học”.

Tuy nhiên, ông Vinh phủ nhận thông tin kinh doanh thuốc lá trong khu thể chất của trường. Ông khẳng định, dù trong thời gian nào thì cũng tuyệt đối không được bán thuốc lá và bia rượu trong khuôn viên trường học. Nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra khu vực này và luôn có cán bộ tổ thể chất tham gia cùng.

Vậy tại sao phụ huynh lại phẫn nộ, lại bức xúc, lại gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng. Những hình ảnh mà chúng tôi thu thập được, chứng minh thời điểm trước khi có đoàn kiểm tra của ban, ngành ở Hà Nội, khu thể chất của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam có bán thuốc lá và bia – đây là những chất kích thích, nghiêm cấm bán trong trường học.

Còn đâu môi trường lành mạnh cho học sinh?

Ngày 5.9, Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường chính thức có hiệu lực. Trước khi bước vào năm học mới, tư lệnh ngành giáo dục cũng nhấn mạnh trong phương hướng, nhiệm vụ năm học mới là: Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước công luận, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Niềm tin ấy, môi trường lành mạnh ấy sẽ như thế nào khi trường học – nơi để đào tạo nên những con người toàn diện, không chỉ dạy kiến thức mà còn giáo dục nhân cách cho học trò – lại bày bán công khai chất kích thích, khiến phụ huynh phẫn nộ. Tương lai của những đứa trẻ sẽ ra sao nếu chúng bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu hay nghiện ngập chất kích thích?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế cho biết: “Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ ngày 1.5.2013. Trong đó có quy định mọi hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua bán thuốc lá; hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng... đều bị nghiêm cấm.

Điều 11 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã quy định rất rõ, trường cấp 3 là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong toàn bộ khuôn viên. Theo quy định, nếu để xảy ra vi phạm Luật thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở công cộng đó, cụ thể là nhà trường đó phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp này, cơ quan chức năng phải kiểm tra, xác minh, nếu đúng, phải xử lý người đứng đầu của trường đó, chứ không phải là phạt người bán. Nếu thực sự có chuyện bán thuốc lá trong trường học, như thế thì chỉ có “chết” học sinh thôi chứ còn gì nữa”.

 

Điều 11 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá:

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này ( những nơi bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà là Trường cao đẳng, đại học, học viện; )

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a) Nơi làm việc; b) Trường cao đẳng, đại học, học viện; c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện

Điều 9 Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm ñược thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.

2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.

3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.

4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.

5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. 6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa ñủ 18 tuổi.

7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.

8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.

9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Theo Nhóm PV (Lao Động)


học sinh

thuốc lá

chất kích thích

Trường chuyên Hà Nội Amsterdam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.