"Đặc sản" dưa muối chống ngán cho ngày Tết

Những món dưa muối được coi là "vị cứu tinh" chống ngán rất hiệu quả trong ngày Tết.

Ngày Tết, nhà nào cũng mâm cao cỗ đầy, ngày nào cũng phải ăn những thực phẩm chứa nhiều chất đạm, béo... khiến nhiều người rơi vào cảm giác chán ăn. Chính vì thế, những món dưa muối được coi là "vị cứu tinh" chống ngán rất hiệu quả trong dịp như thế này.

>> 3 món kim chi ngon "gây sốt" dân công sở

Dưới đây là một vài công thức của những món dưa muối giúp các bà nội trợ có thể áp dụng trong mâm cỗ ngày Tết.

1. Mắm dưa leo

Nguyên liệu: 400gr dưa chuột, 10gr muối hạt, 1 quả ớt tươi, 1 củ tỏi. Gia vị: Mắm, đường

Cách làm:
Trước tiên bạn cần rửa sạch dưa chuột bằng nước muối pha loãng và xả lại nhiều lần bằng nước sạch để đảm bảo vệ sinh nhé! Sau đó cắt bỏ 2 đâu quả dưa rồi bổ đôi quả dưa chuột theo chiều dọc, cạo bỏ hột dưa và tiếp theo bạn xắt dưa thành từng miếng dày cỡ 1 cm.

Ướp dưa khoảng 1 giờ với muối cho dưa ngấm đều. Tỏi bóc vỏ, bằm nhỏ.Ớt tươi bạn rửa sạch, bỏ hạt, cắt lát.

Rửa lại dưa chuột với nước sạch và ngâm trong vòng 20’. Đun sôi 200ml nước lạnh rồi cho 50gr đường và 5 muỗng canh nước mắm vào quấy cho tan. Hỗn hợp sôi đều thì hạ lửa nhỏ nấu thêm 15’ nữa cho mắm đường keo lại.

Vớt dưa chuột ra cho ráo nước sau đó cho dưa chuột, tỏi, ớt vào lọ thủy tinh sạch. Đợi nước mắm đường nguội hẳn bạn trút vào lọ rồi cho vào trong tủ lạnh 2 ngày là có thể thưởng thức được.

Với 3 bước đơn giản bạn đã có món dưa mắm dưa leo để đổi vị cho cả nhà rồi. Vị cay của ớt, vị giòn mát của dưa chuột sẽ kích thích vị giác của gia đình bạn.

2. Củ kiệu muối ngon giòn ngày Tết

Nguyên liệu: 1 kg củ kiệu, 200 g đường, 1/2 lít dấm, 1 bát muối trắng, 1 thìa vôi trắng, 1 thìa phèn chua, 1 bát tô tro bếp, 10 quả ớt đỏ tươi

Cách làm dưa kiệu ngon: Kiệu đem cắt bỏ phần rễ và lá. Hoà 1 thìa phèn chua với 1 lít nước ấm. Hoà 1 thìa vôi trắng với 1 lít nước để lấy nước vôi trong. Hoà 1 tô tro bếp với nước, để tro lắng lấy nước trong. Sau đó, cho kiệu vào ngâm với nước tro 1 đêm để bớt đi vị hăng. Sáng sớm mai, đem kiệu xả sạch với nước lạnh rồi để ráo. Ngâm kiệu vào nước phèn chua, phơi ra nắng buổi sáng sớm khoảng 4 tiếng. Sau đó, vớt kiệu, xả sạch, đem ngâm vào nước vôi 2 giờ nữa. Đổ kiệu ra rổ, đem phơi cho đến khi kiệu hơi héo bề mặt. Hòa đường vào với giấm rồi đun sôi, để nguội.

Ớt tươi, bổ đôi, bỏ hạt, thái lát vừa ăn. Xếp kiệu và ớt vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước đường và giấm vào sao cho ngập hết kiệu. Để sau 10 ngày là dùng được.

Nếu bạn dùng món này trong thời gian dài, có thể nấu nước đường và giấm mới, sau đó cho vào kiệu để tránh không bị chua và đóng váng trên bề mặt. Các công đoạn làm kiệu hơi mất thời gian nhưng món kiệu của bạn sẽ thơm ngon và giòn hơn những cách làm thông thường.

3. Dưa cải muối chua

Nguyên liệu: 1 cải bẹ, 2 củ hành tím. Một ít hành lá. Gia vị: 20g muối; 60g đường; 30ml giấm

Thực hiện:

Rửa sạch rau củ, thải rau cải thành miếng vừa ăn, thái lát mỏng hành tím và cắt hành lá thành từng đoạn khoảng 4cm.

Phơi cải, hành tím và hành lá ngoài trời nắng 1 ngày để rau hơi héo lại.

Cho 20g muối, 60g đường, 30ml giấm vào một lọ thủy tinh/nhựa sạch, đổ nước ấm (40 – 50độ C) vào khoảng 1/2 chiều cao lọ, khuấy đều cho tan muối và đường.

Cho cải, hành tím và hành lá vào lọ, ngập hoàn toàn dưới nước. Đậy kín, bảo quản nơi khô mát khoảng 2 ngày, trước khi dùng.

4. Dưa món của người Tây Nguyên

Nguyên liệu: đu đủ, cà rốt, củ cải, vài quả ớt chín, nước mắm ngon, đường

ch làm: Để muối dưa món, cần 2-3 ngày để sơ chế nguyên liệu. Chọn những quả đu đủ còn tươi xanh gọt sạch vỏ, thái miếng nhỏ bằng dao tỉa hoa để miếng dưa trông hấp dẫn hơn. Cà rốt và củ cải cũng có cách làm tương tự. Sau khi chuẩn bị xong tất cả các nguyên liệu thì đem phơi nắng trong khoảng hai ngày. Phơi nắng già sẽ giúp dưa có màu trắng nõn, dai, không bị mốc hay ủng khi muối. Nếu nắng yếu hay gặp trời mưa dưa món sẽ bị hỏng.

Trước khi muối dưa, bạn phải chuẩn bị nước mắm đã nấu để ngâm dưa. Cho nước mắm loại ngon hòa tan với đường theo tỷ lệ nhất định rồi đun sôi để nguội. Lượng nước mắm và đường phù hợp với khối lượng dưa, sao cho khi muối dưa vừa ngập mặt là được. Bên cạnh đó, tùy theo khẩu vị của mỗi người mà cân đối lượng đường và nước mắm cho phù hợp, để dưa không quá mặn hay không quá ngọt.

Lưu ý, không nên cho thêm nước lạnh vào hỗn hợp nước mắm đường để tránh dưa món nhanh chua và ủng, ăn không ngon và không để được lâu. Đun nước muối xong thì để nguội hẳn. Dưa món sau khi phơi nắng được rửa qua nước ấm 3-4 lần, sau đó vắt khô nước, để ráo.

Cho dưa vào lọ thủy tinh, đổ nước mắm đã nấu vào sao cho ngập hết dưa, thái vài trái ớt chín cho vào. Đậy kín nắp lại, để từ 3 đến 5 ngày là có thể ăn được. Dưa món khi ăn sẽ giòn giòn, dai dai, có mùi thơm của củ cải, vị cay cay của ớt, vị mằn mặn của nước mắm và vị ngọt của đường. Món dưa nhìn đơn giản, nhưng ai đã ăn một lần sẽ không thể nào quên hương vị độc đáo của nó. Trong những ngày Tết đến, dưa món được người dân ở đây dùng để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hoặc giò lụa đều rất ngon miệng và thú vị.

5. Dưa giá đỗ

Dưa giá đỗ là món ăn quen thuộc trong ngày Tết của người miền Nam. Với vị chua nhẹ, giòn sật sật, món ăn này vừa cung cấp chất xơ, vừa mang đến cảm giác ngon miệng cho người ăn.

Nguyên liệu: 200g giá, 1/2 củ cà rốt. 30g hẹ

Thực hiện: Các bạn rửa sạch giá để ráo, hẹ rửa sạch rồi cắt khúc, cà rốt gọt vỏ rồi rửa sạch và thái sợi.

Các bạn pha nước làm dưa gồm 250ml nước sôi, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối rồi đỏ vào bát có giá, hẹ, cà rốt. Khoảng 1 ngày sau là món ăn này sử dụng được.

6. Dưa chuột ngâm dấm

Nguyên liệu: Dưa chuột, Ớt (xanh, đỏ). Đường, dấm, nước tương, nước lọc.

Cách làm: Dưa chuột và ớt mua về bạn hãy ngâm muối và rửa sạch. Cắt dưa chuột và ớt thành những khoanh vừa ăn. Trộn lẫn dưa chuột và ớt với nhau, để vào trong lọ thủy tinh đã được rửa sạch và lau khô. Đường, dấm, nước tương, nước lọc mỗi thứ đong đầy 1 cốc giấy (loại cốc dùng một lần), đổ vào một nồi nhỏ. Đun sôi từ 2-3 phút.

Tắt bếp, để cho nguội bớt trong khoảng 15-20 phút; sau đó đổ hỗn hợp này vào lọ thủy tinh đựng dưa chuột. Để nguội rồi đậy nắp chặt lại. Và cất trong tủ lạnh từ 2-3 ngày là bạn đã có món dưa chuột muối chua ngọt ngon tuyệt.

Hà Linh/VietNamNet (tổng hợp)



Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.