Người dân Việt dùng hơn 3 ngày làm việc mỗi tuần để online

Người dân Việt Nam đang sử dụng trung bình 24,7 giờ/tuần để truy cập trực tuyến, tăng 9 giờ so với năm 2014.

Người dân Việt Nam đang sử dụng trung bình 24,7 giờ/tuần để truy cập trực tuyến, tăng 9 giờ so với năm 2014. Trong đó, 31% người Việt thường xuyên truy cập bằng smartphone và 38% sử dụng máy tính xách tay.

Ảnh: Nielsen Việt Nam

Thanh niên Việt (từ 21-29 tuổi) sử dụng nhiều thời gian để online nhất

Công ty nghiên cứu Nielsen Vietnam vừa công bố Báo cáo về Xu hướng đa nền tảng tại Việt Nam 2015. Theo đó, báo cáo của Nielsen chỉ ra rằng, có đến 9/10 người Việt (91%) sở hữu điện thoại thông minh như là thiết bị cá nhân của họ, cao hơn 9% trong năm 2014 (82%). 

Bên cạnh đó, thiết bị truyền hình cáp (Pay TV/cable TV - 79%), máy tính xách tay (78%) và máy tính để bàn (75%) vẫn là các thiết bị hàng đầu được người Việt sở hữu. Mức độ sở hữu smart TV/TV kết nối và máy tính bảng vẫn được duy trì ở mức cao (hơn 43%).

Mặt khác, nghiên cứu của Nielsen cũng cho biết, trung bình người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á sử dụng khoảng 3 ngày làm việc để vào mạng internet mỗi tuần. Trong đó, người Việt trung bình sử dụng 24,7 giờ để truy cập trực tuyến hằng tuần, tăng 9 giờ so với năm 2014. 

Còn trong khu vực Châu Á thì người tiêu dùng ở Singapore là những người tương tác trực tuyến nhiều nhất khu vực với 25,9 giờ mỗi tuần.

Xét chi tiết, tại Việt Nam nhóm người tiêu dùng ở độ tuổi từ 21 – 29 tuổi dành nhiều thời gian nhất để online, lên đến 27,2 giờ mỗi tuần, tăng mạnh nhất so với các nhóm tuổi khác. Nhóm tuổi tiếp theo dành nhiều thời gian để truy cập trực tuyến là nhóm tuổi từ 40 trở lên, trung bình khoảng 22,6 tiếng/tuần.

Các thiết bị được người dân Việt sử dụng để kết nối internet là smartphone và máy tính xách tay. Trong đó, có 31% người Việt thường xuyên truy cập bằng smartphone và 38% sử dụng máy tính xách tay.

97% người Việt thường xem video thì hay xem phim trực tuyến nhất

Bên cạnh đó, báo cáo của Nielsen cho thấy, tivi truyền thống tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu xét về khía cạnh nền tảng cung cấp nội dung và thông tin cho người tiêu dùng. Theo đó, có đến 72% người tiêu dùng Việt vẫn thường xuyên xem tivi. 

Tuy nhiên, Nielsen cũng cho biết, các nền tảng thay thế đang phát triển mạnh mẽ, với 78% người Việt cho biết họ xem phim ảnh và các chương trình truyền hình bằng các nền tảng trực tuyến như video theo nhu cầu. . 

YouTube (97%), Facebook (81%) và trang nghe nhạc nhaccuatui.com (56%) là 3 trang web phổ biến nhất được người Việt sử dụng để xem các nội dung video theo nhu cầu.

Trong khi đó, khi xem các nội dung video theo nhu cầu, có 83% người Việt sử dụng máy tính xách tay/máy tính để bàn, trong khi 63% người Việt sử dụng điện thoại thông tin, 55% sử dụng tivi và 34% sử dụng máy tính bảng. Phim ảnh là thể loại video phổ biến nhất, với 97% người Việt trả lời rằng họ xem phim trực tuyến khi được hỏi về thể loại video họ xem nhiều nhất trên internet. Theo sau đó là các chương trình giải trí (90%), các chương trình thời sự của các đài truyền hình quốc gia (89%) và các chương trình/video ca nhạc (87%).

Đáng chú ý, theo báo cáo của Nielsen, hơn 9 trên 10 người Việt yêu thích sử dụng hai thiết bị cùng lúc. Hầu hết, người Việt đều thích tương tác với các thiết bị truy cập internet khác ngay trong lúc họ đang xem tivi, bất kể họ ở nhóm tuổi nào. 

Mặt khác, không có thiết bị nào được xem là thiết bị ưu tiên để truy cập online trong lúc người Việt đang xem tivi vì họ sử dụng cả smartphone, máy tính để bàn cũng như máy tính xách tay.

“Có nhiều sự lựa chọn hơn nữa trong việc truy cập nội dung số và việc xem nội dung theo nhu cầu là khao khát mạnh mẽ của người Việt hiện nay và chính điều này đang là động lực thúc đẩy người tiêu dùng chủ động tìm kiếm các nguồn cung cấp nội dung số; điều mà cách đây không lâu, người Việt hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn thông tin truyền thống.

Người tiêu dùng hiện nay cũng hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn truy cập internet ở đâu, vào lúc nào và trên thiết bị nào để tìm kiếm thông tin, nội dung mà họ quan tâm. Đồng thời, họ cũng chủ động trong việc tạo ra thói quen truyền thông của chính họ hơn bao giờ hết”, ông Đoàn Duy Khoa, Giám Đốc, Bộ Phận Nghiên Cứu Hành Vi Người Tiêu Dùng, Nielsen Việt Nam cho biết.

Theo Một thế giới



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.