Vì sao bóng đá Việt dưới mặt bằng xã hội?

Hình ảnh xấu xí của V-League lúc này làm nhiều người lại nhớ đến nhận xét trứ danh của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực: “Bóng đá Việt ở dưới mặt bằng xã hội”.

Cầu thủ đánh võ, trọng tài ngó lơ, sai sót và bị CĐV quây tấn công. Hình ảnh xấu xí của V-League lúc này làm nhiều người lại nhớ đến nhận xét trứ danh của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực: “Bóng đá Việt ở dưới mặt bằng xã hội”.

Nỗi khổ tâm của Bao công

Bốn án phạt cùng lúc được Ban kỷ luật đưa ra vào chiều qua để chốt lại những rắc rối xảy ra ở vòng 17 V-League. Nổi bật nhất là án phạt nguội, treo giò thủ môn Bửu Ngọc 4 trận, phạt 15 triệu vì pha vào bóng ác ý với Duy Long. Cùng lúc, HLV thủ môn CLB Sài Gòn Nguyễn Đức Thịnh cũng bị cấm hành nghề 4 trận vì lỗi phản ứng.

V-League, trọng tài bị chỉ trích, VFF, Nguyễn Hải Hường, Chủ tịch VFF, Mai Liêm Trực, tuyển Việt Nam, vòng 17 V-League 2016

Trọng tài sai lầm nhưng nhiều khi cũng chỉ là cái cớ để đổ lỗi cho sự yếu kém

Ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Ban kỷ luật, khẳng định bộ phận kỷ luật đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, có tình có lý trước khi đưa ra những án phạt trên. Tình huống Bửu Ngọc nhận phạt nguội, có thể xem là cách “sửa sai” cho trọng tài Nguyễn Trọng Thư khi bỏ sót lỗi nặng. Riêng trợ lý Nguyễn Đức Thịnh, Ban kỷ luật đã bác đề xuất phạt nặng của BTC V-League do HLV tái phạm nhiều lần. Ông Hường nói: “Thịnh từng có vết, lần này lại phản ứng rất quyết liệt, gây nhốn nháo ở sân Cần Thơ. Nhưng khi xem xét, chúng tôi thấy Thịnh chỉ phản ứng khi pha vào bóng của Bửu Ngọc bị trọng tài “quên” phạt thẻ đỏ. Nguyên nhân chính xuất phát từ lỗi trọng tài. Pha bóng ác ý và diễn ra ngay trước mặt Thịnh, trong khi tình huống Quốc Long bị thẻ đỏ, tuyệt nhiên không có phản ứng”.

Theo ông Hường, mỗi khi đưa ra án phạt, Ban kỷ luật đều cân nhắc tình và lý, có trước có sau để nắn vào khuôn khổ. Tuy vậy, nỗ lực nắn cuộc chơi vào đường ray sau bao mùa vẫn chưa như ý. “Ban kỷ luật của tôi không muốn phải hoạt động hết công suất. Vì làm nhiều, nghĩa là giải có vấn đề, sự cố lắm. Chúng tôi đã nỗ lực nhưng vẫn còn như muối bỏ bể, cần thêm nhiều gian...”, ông Hường nói.

Không theo kịp mặt bằng xã hội

Vấn đề đặt ra sau hàng loạt sự cố nổi cộm ở V-League chính là chất lượng con người làm và gắn bó mật thiết với bóng đá Việt Nam. Bửu Ngọc sau pha vào bóng ghê rợn đã cố giải thích: “Tôi không muốn triệt hạ Duy Long”. Nhưng nhìn vào pha vào bóng này, rõ ràng lời nói, cái đầu suy nghĩ và đôi chân hành động hoàn toàn phản chủ.

V-League, trọng tài bị chỉ trích, VFF, Nguyễn Hải Hường, Chủ tịch VFF, Mai Liêm Trực, tuyển Việt Nam, vòng 17 V-League 2016

Bửu Ngọc "ăn" Duy Long: Pha bóng thể hiện cái chân không làm theo cái đầu ở bóng đá Việt Nam

Ở Lạch Tray, phản ứng của CĐV đất Cảng thật sự là lời cảnh báo. Tuy nhiên, cũng phải sòng phẳng rằng, Hải Phòng đang đuối trong cuộc đua vô địch và trọng tài chính là yếu tố để đổ lỗi. Nói cách khác, không ai muốn thừa nhận năng lực của mình có hạn và trọng tài bỗng nhiên trở thành cái “bị bông” để đổ lỗi.

Ông Nguyễn Hải Hường nêu ra trường hợp mà Ban kỷ luật từng bị đả kích dữ dội: treo giò Đình Luật, khiến trung vệ mất suất lên tuyển Việt Nam. Theo ông Hường, trước khi đưa ra án phạt nguội với Đình Luật, Ban kỷ luật đã 2 lần gạt hồ sơ vì không đủ chứng cứ. Tuy nhiên, đến lần thứ 3, góc máy kỹ thuật đã chứng minh Đình Luật đạp vào mặt Felix (QNK.Quảng Nam) để trả đũa nên Ban kỷ luật quyết xử. Éo le thay, sau khi đưa ra án phạt này, Ban kỷ luật bị chính các thành viên tuyển Việt Nam chỉ trích, nói mát là “không bảo vệ cầu thủ”.

Tại sao bóng đá Việt, nhất là V-League, luôn rơi vào vòng luẩn quẩn: sự cố, nghi ngờ, tiếng tăm xấu xí? Con người nào, bóng đá đó. Ứng xử và cách nhìn nhận, hành động làm bóng đá Việt giậm chân tại chỗ, làm cho nhận xét của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực từ hơn chục năm trước còn nguyên giá trị thời sự.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.