"Cả đời tôi không quên được nỗi đau bị cướp HCV Sea Games"

Ngồi ở nhà xem Sea Games 29, nỗi uất ức trào lên trong lòng Nguyễn Thanh Phúc, cựu VĐV đi bộ nổi tiếng của Việt Nam. Cô ấm ức thay đàn em Bích Hà

Ngồi ở nhà xem Sea Games 29, nỗi uất ức trào lên trong lòng Nguyễn Thanh Phúc, cựu VĐV đi bộ nổi tiếng của Việt Nam. Cô ấm ức thay đàn em Bích Hà. 

Nỗi uất ức cả đời không quên

Cách đây ít giờ, VĐV đi bộ Phan Thị Bích Hà của Việt Nam tại Sea Games 29 đã đánh rơi HCV nội dung đi bộ 10km nữ đầy cay đắng. Cô đã đi rất tốt, rất đúng kĩ thuật nhưng chỉ đoạt HCB vì VĐV Elena Gohling Yin bên phía chủ nhà "chạy bộ" về đích.

Hành vi sai trái của Elena rất dễ nhận ra và đã bị ghi lại bằng hình ảnh rất nhiều. Năm 2013, Nguyễn Thanh Phúc – VĐV Việt Nam lúc bấy giờ thi môn đi bộ 20km cũng chịu tình cảnh tương tự. VĐV chủ nhà Myanmar đã chạy về đích để "cướp" HCV của Thanh Phúc khiến cô tiếc nuối rơi nước mắt làm hàng triệu trái tim NHM Việt Nam chua xót theo.

"Hai hôm nay em luôn luôn theo dõi điền kinh Việt Nam mình thi đấu Sea Games, đặc biệt nội dung đi bộ. Hôm qua đi bộ nam em cũng đã thấy hiện tượng đó (đối phương chạy) xảy ra, em cảm giác là kì kì.

Nếu còn là VĐV có lẽ em sẽ không bình luận vì trọng tài là trên hết. Nhưng giờ em nhìn nhận là trọng tài năm nay không khác gì trọng tài năm em thi đấu Sea Games 2013.

Trọng tài giám sát VĐV đi bộ bằng mắt thường nên cảm tính của người trọng tài luôn luôn chiến thắng VĐV của mình. Nên khi xem VĐV của mình thi đấu chiều nay em rất bức xúc và ức chế, gợi lại năm em thi đấu 2013.

Em thấy vòng cuối VĐV Malaysia rõ ràng đã chạy nhưng trọng tài làm ngơ, làm mất một HCV của VĐV Việt Nam mình. VĐV của chúng ta tập luyện gian khổ để thi đấu thì giờ là người thiệt thòi nhất. Em mong muốn có sự công bằng cho Việt Nam mình" – Giờ đã giải nghệ, Phúc vẫn như muốn khóc khi nói về sự cố của Bích Hà.

Biết người đàn em đang rất buồn, Phúc gửi tới Bích Hà lời nhắn nhủ:

"Em biết Hà sẽ rất buồn nhưng 90 triệu người dân Việt Nam sẽ hiểu và ở bên cô ấy. Mọi người sẽ nhìn nhận được vấn đề rằng khi đối phương chơi xấu, chạy thì Hà vẫn bằng đúng kỹ thuật của mình để thi đấu. Em nghĩ Bích Hà luôn chiến thắng với sự thật. Và mọi người sẽ luôn ghi nhận thành tích của Hà, đó không phải HCB mà là HCV".

Vào năm 2015, Nguyễn Thanh Phúc đã được trả lại ánh hào quang ở Sea Games 2013. Cô đã được nhận chiếc HCV Sea Games nội dung 20km năm nào bị "cướp" mất. Nhưng Thanh Phúc khẳng định, nỗi ấm ức cách đây 4 năm cô không thể nào quên được.

"Cứ nghĩ đến em vẫn còn y cảm giác bị mất HCV khi đó. Một VĐV tập luyện và thi đấu khi được đứng lên bục cao nhất, nhận HCV cho Việt Nam, hình ảnh, cảm giác khi mình đứng đó hát Quốc ca rất là thiêng liêng.

Khi em mất cảm giác đó là em bị ám ảnh cả cuộc đời. Đến bây giờ em vẫn không thể quên. Em sẽ không bao giờ quên vì cảm giác được hát Quốc cao rất là thiêng liêng. Em không có bao giờ quên được cảm giác đó cả".

Cả đời tôi không quên được nỗi đau bị cướp HCV SEA Games - Ảnh 2.

Nguyễn Thanh Phúc khóc nức nở sau khi bị "cướp" HCV đi bộ 20km tại Sea Games 2013.

Tập cả năm chỉ được đấu 1 giải

Nói về sự khó khăn, gian khổ của người VĐV đi bộ nói chung, Phúc chia sẻ:

"Trong điền kinh, môn marathon và đi bộ là vất vả nhất vì nó rèn sự bền bỉ của VĐV. 20 km chúng ta đi xe máy đã bao xa rồi mà VĐV đi bộ còn phải đi đúng kĩ thuật. Một VĐV đi bộ phải luôn có 1 chân chạm đất. Nếu 2 chân trên không giống chạy là phạm quy. Trên đoạn đường 20km nếu có 1 lần như thế là phạm quy rồi nên độ khó rất cao.

Bộ môn đi bộ của Việt Nam cọ sát rất ít, một năm thi đấu giải vô địch 1 lần, 2 năm thi đấu Sea Games 1 lần. Một năm gần như chỉ có 1 cơ hội mà vụt mất đi thì giống như nồi cơm của VĐV đó bị đập vỡ.

VĐV ngoài đam mê còn tập luyện, thi đấu để kiếm miếng cơm, vì tương lai của họ. Khi bị mất như vậy thì mất tất cả. Như bản thân em, bao kì Sea Games đã phải bỏ học đại học. Khi em có HCV Sea Games và được 45 triệu thì em dùng số tiền đó để đi học tiếp chứ không có để ra được bao nhiêu.

Em thi đấu vì đam mê và lấy số tiền thu được để tự nuôi mình học các năm tháng đó. Nỗi vất vả của VĐV không thể nói hết được, đặc biệt là VĐV nữ, hy sinh tuổi xuân… em nghĩ không thể dùng lời mà nói. Vì thế khi mất HCV thế này, tiếng xấu cũng bay rất xa. Em không biết bao giờ môn đi bộ tại ĐNÁ mới có thể chuyên nghiệp hơn".

Cuối cùng, Phúc cho biết mình không bao giờ phải lo lắng về công tác trọng tài khi thi đấu đi bộ thế giới hoặc châu Á. Còn mỗi khi trở về Sea Games, cô chẳng thể chắc chắn được điều gì.

"Em thi đấu thế giới hay châu Á không phải lo âu thế này. Sea Games em thi đấu rất áp lực còn giải châu Á thì không bị như vậy.

Khi chúng ta vượt trội hẳn thể lực và kĩ thuật thì có thể nghĩ tới việc nắm chắc huy chương. Nhưng 3 kì Sea Games em luôn bị xử ép. VĐV chúng ta thể lực, kĩ thuật tốt nhưng không chắc có thể vô địch tại Sea Games do trọng tài bắt bằng cảm tính".

Sea Games, xin đừng khiến VĐV Việt Nam phải khóc vì oan ức nữa!

Theo Trí Thức Trẻ


SEA Games 29


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.