11 góp ý của 1 hiệu trưởng với chương trình giáo dục phổ thông

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho thấy số môn học của một khối lớp (như ở bậc THPT) là khá nhiều. Nếu không thay đổi phương thức kiểm tra, thầy cô và học sinh sẽ rất áp lực, căng thẳng, mệt mỏi.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho thấy số môn học của một khối lớp (như ở bậc THPT) là khá nhiều. Nếu không thay đổi phương thức kiểm tra, thầy cô và học sinh sẽ rất áp lực, căng thẳng, mệt mỏi. 

Đọc bản dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, là nhà giáo, tôi xin được chia sẻ mấy suy nghĩ dưới đây.

1. Chấm dứt hợp đồng giáo viên không đạt yêu cầu sau bồi dưỡng

Chương trình, sách giáo khoa mới chỉ phát huy tác dụng tích cực khi và chỉ khi được thực thi từ một đội ngũ giáo viên trách nhiệm, năng lực. Điều này đang là một thách thức lớn cho giáo dục – đào tạo nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng. Vì thế, bồi dưỡng giáo viên là nhiệm vụ cần được ưu tiên. Nhưng cách thức bồi dưỡng thế nào cho hiệu quả? 

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông mới, Đổi mới giáo dục

Tới đây, việc bồi dưỡng giáo viên nên thực hiện qua Skyper, Facebook, Trường học kết nối.... (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Những lần cải cách, thay sách trước đây đã có nhiều cách thức bồi dưỡng giáo viên như: Giao cho đại học vùng phụ trách; bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán (của tỉnh, huyện) rồi số này sau đó về tập huấn lại cho giáo viên. Cách làm đó không mang lại hiệu quả. 

Có nguyên nhân do nội dung bồi dưỡng chưa phù hợp, có nguyên nhân do năng lực của báo cáo viên, do thái độ học tập của người học, do cách thức kiểm tra...

Tới đây, trong việc bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD-ĐT nên chỉ đạo các vụ chức năng phối hợp với cơ sở giáo dục để biên soạn các chuyên đề bồi dưỡng. Việc bồi dưỡng nên thực hiện qua Skyper, Facebook, Trường học kết nối.... Người học tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm và báo cáo sản phẩm thu hoạch. 

Công tác kiểm tra tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc. Người học không đủ tín chỉ hoặc kết quả học tập chưa đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục (quản lý người học) chấm dứt hợp đồng. 

Lớp học giao cho ban giám hiệu quản lý, có sự theo dõi, kiểm tra của cấp trên và sự kiểm tra chéo giữa các trường trên cùng một địa bàn.

2. Minh bạch đầu tư cơ sở vật chất

Khoảng thời gian còn lại cho việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới chỉ còn hơn một năm. Cơ sở vật chất của không ít trường hiện nay có thể nói chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Sân chơi, dụng cụ thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật nhìn chung các trường THPT còn thiếu nhiều. 

Vì thế, cần đầu tư phát triển cơ sở vật chất đúng địa chỉ, minh bạch, ưu tiên cho vùng khó, các trường chất lượng thấp, đồng thời tạo cơ chế để các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa nhằm tăng tốc xây dựng cơ sở vật chất. 

3. Bỏ kiểm tra học kỳ

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho thấy số môn học của một khối lớp (như ở bậc THPT) là khá nhiều. Lớp 10 có đến 15 môn học (bắt buộc, có phân hóa) và môn tự chọn – vậy học sinh khối 10 sẽ học đến 16 môn. Số môn học ở khối 11,12 cũng không ít. 

Nếu không thay đổi phương thức kiểm tra, thầy cô và học sinh sẽ rất áp lực, căng thẳng, mệt mỏi. Trong bối cảnh mới nên bỏ kiểm tra học kỳ I, học kỳ II, mỗi môn học hoặc chuyên đề chỉ quy định có từ 1 đến 2 lần kiểm tra. 

Nên kết hợp giữa kiểm tra truyền thống (trắc nghiệm khách quan, trắc nghiệm tự luận) với kiểm tra qua sản phẩm như thuyết trình, mẫu vật sưu tầm, mô hình thiết kế, tư liệu tìm kiếm.... Kết hợp giữa đánh giá bằng điểm số và đánh giá bằng nhận xét. Ưu tiên đánh giá bằng nhận xét.

4. Không đánh giá học sinh theo hạnh kiểm và học lực 

Nội dung các môn học hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh. Đồng thời, học sinh được học trên lớp, ở nhà, bảo tàng... 

Vì vậy, nên gộp đánh giá việc học tập, tu dưỡng của học sinh làm một và theo các loại Tốt, Khá, Đạt yêu cầu, Cần cố gắng. 

Không đánh giá theo hai mặt hạnh kiểm và học lực như hiện nay.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông mới, Đổi mới giáo dục

Không nên đánh giá theo hai mặt hạnh kiểm và học lực như hiện nay (Ảnh: Thanh Hùng)

5. Giảm một môn Giáo dục địa phương cho học sinh THPT

Bộ chỉ ban hành khung chương trình (và cả bộ sách giáo khoa chuẩn nếu Bộ GD-ĐT thấy cần thiết), khuyến khích các sở, viện, học viện, trường ĐH ... biên soạn sách giáo khoa. 

Nếu các địa phương tích cực vào cuộc thì nội dung bài học sẽ gắn với tình hình của địa phương, phù hợp với đối tượng học sinh theo vùng – miền, không gây quá tải cho học sinh. Đồng thời, giảm một môn Giáo dục địa phương cho học sinh bậc THPT vì đã lồng ghép một cách linh hoạt, phù hợp thông qua việc địa phương biên soạn sách giáo khoa.

6. Khuyến khích tự chủ tài chính trong các trường công lập

Đội ngũ cán bộ quản lý giữ vai trò quan trọng. Tạo được sự thay đổi từ chương trình, sách giáo khoa mới hay không phụ thuộc đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục. Và điều này thì không thể tự nhiên mà có, càng không thể chỉ dựa vào sự tự giác – niềm tin. 

Cần làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, giám sát – kiểm tra. Thực hiện việc phân cấp cho các cơ sở giáo dục, khuyến khích mô hình tự chủ về tài chính trong các trường công lập; Điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy học và giáo dục tương đối đồng đều khi áp dụng đại trà chương trình, sách giáo khoa mới.

7. Không để thầy cô loay hoay “biểu diễn” tích hợp 

Kiến thức cung cấp ngắn gọn, dễ dạy – dễ tự học. Tuyệt nhiên không nên ôm đồm, mong muốn nội dung ở sách giáo khoa phủ kín phương pháp dạy – học: Sách giáo khoa chẳng khác gì ... một bữa tiệc thịnh soạn mời thầy trò dùng, mà nào họ có dùng được đâu! 

Thầy đóng vai trò hướng dẫn, trò – sau nhận biết là hoạt động để phát triển kỹ năng. Trò là người tích hợp kiến thức chứ không phải là thầy cô. 

Chương trình mới cần khắc phục để thầy cô không mất thời gian, loay hoay “biểu diễn” tích hợp. 

8. 5 phẩm chất chủ yếu 

Phẩm chất chủ yếu của học sinh nên là: yêu nước, khoan dung, kỷ luật, trung thực, trách nhiệm. 

Bởi có lòng yêu nước, khoan dung chắc chắn các em sẽ biết yêu thương bản thân, gia đình, cộng đồng. Kỷ luật để phát triển, khởi nghiệp. Trung thực và trách nhiệm để làm người công dân tử tế, hội nhập.

9. Tăng lên 50 đến 55 phút/ tiết học

Với cấp THPT, quy định một tiết có 45 phút là chưa phù hợp. Thầy trò không đủ thời gian để dạy: chủ đạo; học: chủ động. Đề nghị tăng lên 50 đến 55 phút/ tiết học. 

Tầm nhìn của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể đến năm 2040. Vì vậy, cần tính toán để dạy và học ở cấp THPT theo mô hình 2 buổi/ ngày. 

10. Không nên dùng thuật ngữ bắt buộc

Với cấp THPT, chỉ quy định số môn học và tương ứng là số tín chỉ người học cần đạt để được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ưu tiên cho các bộ môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất. 

11. Không nóng vội

Thực nghiệm chương trình giáo dục mới qua việc chọn mẫu đại diện. Từ kết quả, có thể bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi rồi mới thực hiện đại trà. 

Một câu hỏi tôi mong có sự trả lời từ Ban soạn thảo chương trình là "Mong muốn triển khai đại trà vào năm học tới liệu có nóng vội hay không, khi mà các điều kiện để thực hiện vừa yếu, vừa thiếu, vừa không đồng bộ?".

Theo VietNamNet


Giáo dục

trường THPT

THPT


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.