Điểm chuẩn đại học dự kiến giảm sâu

Khác với năm 2017, kỳ thi năm nay, dư luận vẫn “mỏi mắt” tìm điểm 10, thậm chí điểm 9 cũng khó kiếm.

Khác với năm 2017, năm nay, mặc dù nhiều địa phương đã hoàn thành công tác chấm thi, gửi dữ liệu lên Bộ GDĐT, tuy nhiên dư luận vẫn “mỏi mắt” tìm điểm 10, thậm chí điểm 9 cũng khó kiếm.

Trước thực trạng đề thi khó, điểm thi thấp, nhiều chuyên gia nhận định, điểm chuẩn vào các trường đại học năm 2018 sẽ giảm mạnh, có thể giảm từ 1 - 4 điểm.

Trường “tốp trên” giảm sâu

Qua công tác tư vấn tuyển sinh 2 tuần qua, PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho rằng, điểm chuẩn các trường ĐH năm nay sẽ giảm, thậm chí giảm sâu.

“2 tuần qua, tôi đã đi khắp nơi để tư vấn tuyển sinh thì thấy số em đạt điểm trên 20 rất ít, dải điểm nhiều nhất là 17, 18. Mặc dù đây chưa phải điểm chính thức nhưng cơ bản sẽ không thay đổi nhiều, bởi các em đều đã so đáp án của Bộ GDĐT.

Điều này thấp ngoài tưởng tượng của tôi, gần như không thấy em nào khoảng 24 điểm trở lên, kể cả các vùng đất học như Bình Định, Phú Yên thường mọi năm em nào cũng 24 đến 26 điểm”.

Ông Dũng dự đoán, điểm chuẩn vào các trường có thể thay đổi giảm từ 1 đến 4 điểm, thậm chí có thể còn thấp hơn nữa, đặc biệt là các trường năm ngoái lấy từ 24 điểm trở lên sẽ giảm mạnh nhất.

Các trường top dưới với mức lấy 14 - 15 điểm thì sẽ giữ nguyên, ông Dũng nhận định.

Đồng quan điểm, đại diện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng, các ngành, trường có mức điểm hằng năm trong khoảng 18-22 điểm sẽ có ít biến động giảm hơn.

Các ngành, trường hằng năm có mức điểm trên 24 sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội - cho biết, hiện nay chưa có phổ điểm nên chưa thể khẳng định về điểm chuẩn.

Tuy nhiên, nếu thực tế đúng như những gì dư luận phản ánh sau kỳ thi, phổ điểm giảm, điểm chuẩn sẽ giảm chung. Khoảng cách điểm chuẩn giữa các ngành cũng sẽ bị thu hẹp lại.

PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: Đề thi khó, điểm giảm thì điểm chuẩn chung khả năng cao cũng sẽ giảm.

Riêng với ĐH Bách Khoa, điểm chuẩn của trường năm nay nếu có giảm cũng không nhiều, đặc biệt là với những ngành “hot” như Điều khiển tự động hóa, Công nghệ thông tin, Cơ điện, Điện tử viễn thông…

“Tuy nhiên, khi chưa có phổ điểm, chúng ta khó xác định sẽ giảm bao nhiêu” - ông Tớp nói.

GS-TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp - cho biết, mặc dù dự kiến điểm thi năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái nhưng đối với ngành đào tạo chất lượng cao của trường thì vẫn giữ nguyên mức điểm của năm ngoái (15-17 điểm).

Còn đối với những ngành truyền thống nếu có giảm cũng chỉ giảm 1 đến 2 điểm, sẽ không giảm quá sâu để đảm bảo chất lượng.

Nhóm ngành công nghệ và cơ điện tử được nhận định sẽ là nhóm ngành thu hút sinh viên. Ảnh: T.C.A

Đảm bảo 3 phổ điểm đăng kí

Các chuyên gia cũng lưu tâm, đây mới chỉ là dự đoán ban đầu do chưa có phổ điểm chính thức, chưa có số liệu thí sinh đăng kí, tuy nhiên học sinh cũng cần chuẩn bị sẵn tinh thần, có đủ các phương án để lựa chọn.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - khuyên rằng: Học sinh chọn ngành đúng điểm của mình.

Thực tế, ĐH hiện nay sẽ đào tạo cách học, phương thức tư duy, kiến thức nền tảng, kĩ năng tự học, giải quyết vấn đề, sáng tạo… là chính, còn về chuyên môn sẽ thay đổi rất nhanh nên các em tự phải cập nhật và học tập thêm thì mới có thể làm việc tốt được.

Vì thế, học sinh cần cố gắng chọn được ngành yêu thích ngay từ lần đầu tiên. “Ngay từ bây giờ, học sinh cần thường xuyên vào các trang web của trường, theo dõi thông tin của các báo.

Ngoài ra, có thể lấy điểm chuẩn năm ngoái trừ đi khoảng 4 điểm để mức thấp nhất để xem có khả năng nằm trong tốp điểm xét duyệt hay không.

Ngoài ra, cần ước lượng điểm, xem số lượng đăng kí” - ông Dũng nói. Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông tin thêm, khối ngành kĩ thuật năm nay nổi lên, đặc biệt là ngành Kĩ thuật ôtô và Công nghệ thông tin.

Một số ngành mới mở có số đăng kí chưa đủ chỉ tiêu.

ThS Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Thuỷ lợi - cho biết: “Sau khi Bộ GDĐT công bố đáp án, các em đã phần nào ước lượng mức điểm của mình thì có thể căn cứ ngưỡng điểm xét tuyển kết hợp điểm chuẩn các năm gần đây để điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.

Về nguyên tắc, muốn đỗ ngay đợt 1, thí sinh đăng kí theo 3 phổ: Cao hơn ngưỡng điểm 1 chút, bằng ngưỡng điểm và dưới ngưỡng điểm”.

Ông Thạc cũng nhận định, nhóm ngành Công nghệ và Cơ điện tử, Hạ tầng - Xây dựng… sẽ là nhóm ngành thu hút nhân lực.

Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 11.7, Bộ GDĐT sẽ công bố điểm thi THPT Quốc gia. Từ 19 - 26.7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển (ĐKXT) theo phương thức trực tuyến. Từ 19 - 28.7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu ĐKXT.

Dựa trên đáp án chính thức từ Bộ GDĐT, thí sinh có thể ước lượng được điểm thi chính thức. Cùng với điểm chuẩn các năm trước, các thí sinh cần phải cân nhắc kỹ việc điều chỉnh chọn ngành, chọn trường phù hợp.

Theo Lao động


điểm chuẩn đại học

xét tuyển đại học

kỳ thi THPT Quốc gia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.