Giáo viên mầm non "Khá" phải thành thạo tiếng Anh là điều không tưởng

Theo dự thảo Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, giáo viên mầm non được đánh giá Đạt phải có ngoại ngữ tiếng Anh bậc 1

Theo dự thảo Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, giáo viên mầm non được đánh giá Đạt phải có ngoại ngữ tiếng Anh bậc 1, được đánh giá Tốt phải sử dụng tiếng Anh thành thạo và có trình độ tiếng Anh bậc 2 … Nhà giáo Tùng Sơn cho rằng quy định này xa thực tế và sẽ "mở đường" cho thị trường chứng chỉ tiếng Anh.

Một quy định quá xa thực tế

Điều 5 của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (dự thảo) đề ra tiêu chuẩn 2 quy định về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ của giáo viên mầm non.

Theo đó, năng lực ngoại ngữ được đưa vào tiêu chí 4 “Năng lực sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc): Sử dụng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác ở mức tương đương theo quy định; hoặc giao tiếp bằng tiếng dân tộc (ở vùng dân tộc thiểu số) phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

giáo viên mầm non,Chuẩn giáo viên mầm non
Ảnh chụp từ dự thảo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non

Cụ thể hóa việc đánh giá giáo viên mầm non, kèm theo quy định này là phụ lục ghi cụ thể mức độ cần đạt cho từng tiêu chí và gợi ý minh chứng cần thiết. Theo đó, về tiêu chí ngoại ngữ tiếng Anh, giáo viên muốn xếp mức Đạt cần có trình độ tiếng Anh thông thường và chứng chỉ tiếng Anh bậc 1/6 theo quy định.

giáo viên mầm non,Chuẩn giáo viên mầm non
Ảnh chụp từ dự thảo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm no

Đáng chú ý nhất là giáo viên mầm non muốn xếp loại Khá thì phải sử dụng tiếng Anh thành thạo và có chứng chỉ, trình độ tiếng Anh bậc 2/6; xếp mức Tốt thì phải sử dụng tiếng Anh hiệu quả và có chứng chỉ, trình độ tiếng Anh bậc 3/6. Ta nhận ra ngay, đây là một quy định rất xa thực tế.

Lấy đâu ra giáo viên mầm non Khá, Tốt theo Chuẩn?

Bao nhiêu năm nằm ngoài biên chế, đồng lương leo lắt. Mới vài năm nay do xét tuyển đặc cách mạnh mẽ nên các cô mới được ăn lương từ hệ số. Cuộc sống khó khăn như thế. Thiết nghĩ, bám trụ, bám trường được đến hôm nay đã là đáng khâm phục. Vậy mà nếu quy định chuẩn nghề này có hiệu lực, các cô lấy đâu ra tiếng Anh bậc 1/6 đáp ứng chuẩn bây giờ?

Lại nữa, nếu chuẩn này được ban hành, không lẽ cả trường mầm non toàn xếp mức Đạt theo chuẩn. Hiện nay, đánh giá theo chuẩn ở Quyết định 02/2008/QĐ-BGDĐT chúng ta chủ yếu khá, tốt.

Thế thì nếu thay thế Quyết định 02/2008 bằng quy định mới như trên, chẳng lẽ, cả trường mầm non chỉ toàn xếp loại Đạt thôi sao?

Thông thường, bình xét, đánh giá cuối năm, các giáo viên điển hình, tổ trưởng, hiệu trưởng mới được xếp loại tốt. Vậy mà nay, nếu theo Chuẩn này, các trường lấy đâu ra người được xếp mức Khá, Tốt?

Thị trường chứng chỉ tiếng Anh dễ sốt

Đã là giáo viên mầm non dù thâm niên nhiều ít, theo chuẩn, buộc phải có chứng chỉ bậc 1/6 để đáp ứng mức Đạt.

Thực tế hiện nay, giáo viên mầm non cũng có chứng chỉ tiếng Anh nhưng không phải chứng chỉ theo 6 bậc Bộ quy định. Chủ yếu chứng chỉ này do các công ty đào tạo tiếng Anh cung cấp. Các chứng chỉ này sẽ nhanh chóng bị loại bỏ khi Chuẩn mới ra đời. Khi đó, các cô giáo mầm non phải khẩn trương trang bị cho mình một chứng chỉ mới. Vậy là thị trường đào tạo ngắn hạn, thi cấp tốc lại sôi động với chứng chỉ Anh ngữ.

Mới nay thôi, nghe phong thanh về nâng hạng, nâng ngạch, chuẩn mới mà nhiều nơi đã ráo riết liên kết mở lớp tiếng Anh hai triệu rưỡi, hai triệu bảy cho các thầy cô (như ở Bắc Ninh chẳng hạn).

Thế thì chắc chắn, khi chuẩn mới ban hành với yêu cầu ngoại ngữ như thế, chẳng những mầm non mà hầu như tất cả giáo viên phổ thông phải tính chuyện cho mình một chứng chỉ tiếng Anh ít nhất đáp ứng mức Đạt. Còn những thầy cô có tinh thần thi đua cao, muốn xếp loại nghề nghiệp tốt thì phải đầu tư “học cấp tốc” chứng chỉ tiếng Anh bậc cao hơn.

Lời kết: Học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn là quan điểm của Đảng ta soi sáng cho đường lối giáo dục. Biết và giỏi ngoại ngữ tiếng Anh là tốt, rất tốt. Nhưng trong điều kiện hiện nay, mong Bộ chủ quản không nên vội vàng đưa vào quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non với năng lực ngoại ngữ như vậy vì nó quá xa thực tế và khiến thầy cô buộc phải có chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ viên chức. Liệu có lãng phí và cần thiết trong tình hình hiện nay?


Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.