Học thêm, phụ huynh nào đủ dũng khí không tự nguyện?

Sau vỏn vẹn hai tháng cấm, TPHCM vừa cho phép dạy thêm trong trường nếu học sinh tự nguyện! Ranh giới quá mong manh giữa tự nguyện và gợi ý, thậm chí ép buộc...

Sau vỏn vẹn hai tháng cấm, TPHCM vừa cho phép dạy thêm trong trường nếu học sinh tự nguyện! Ranh giới quá mong manh giữa tự nguyện và gợi ý, thậm chí ép buộc, đã được nói đến hàng chục năm qua trong mái trường. Phụ huynh, học sinh nào đủ dũng khí không tự nguyện?

Phải thẳng thắn với nhau rằng, cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên và nhà quản lý đều muốn không học thêm. Chẳng ai muốn vất vả đưa đón con sau giờ học, vừa mất tiền vừa mệt người, nếu chính khóa đáp ứng đủ các nhu cầu kiến thức của con em. Cũng không mấy học sinh thích thú với những giờ học sau khi đã quá mệt mỏi cả ngày ở trường.

Còn giáo viên, nếu đủ sống và không bị áp lực thành tích, tôi tin ít ai còn muốn lao lực thêm mấy tiếng buổi tối. Riêng các nhà quản lý thì càng ít dạy thêm, họ càng dễ thở. Tuy nhiên, chắc còn rất lâu nữa, nước ta mới hội đủ các điều kiện trên để hết học thêm, dạy thêm. Đến Nhật, Hàn vẫn còn tình trạng này thì có lẽ vẫn phải “mơ về nơi xa lắm”. Nhưng quả thật, tôi đang nghi ngờ hai chữ "tự nguyện".

Chỉ với việc đóng đủ loại quỹ đầu năm học, tôi chưa thấy phụ huynh nào đủ dũng khí không tự nguyện đóng góp. Nhắc khéo, ánh nhìn thiếu thiện cảm, xem như một dị nhân… đủ để cả phụ huynh lẫn học sinh tặc lưỡi nộp cho xong. Giáo viên không chỉ dạy mà còn cho điểm, theo sát con em mình suốt cả năm học, mở lớp “phụ đạo cho các cháu” với gợi ý “cháu nhà mình còn nhiều chỗ yếu” thì mấy ai dám lắc đầu. Riêng những gợp ý trước khi thi, kiểm tra gần sát với đề và “chăm chút” nhỉnh hơn với các em “tự nguyện” học thêm đã thấy bất lợi của những người không tự nguyện. Kinh nghiệm của hơn chục năm con tôi đến trường đã chứng minh điều đó, dù đa số giáo viên không coi đồng tiền là trên hết.

Bạn có đủ can đảm cho con mình không học thêm khi gần cả lớp đã đăng ký tự nguyện? Học sinh và phụ huynh có được phép lựa chọn giáo viên mình ưa thích hay bị “chỉ định”? Nội dung chính khóa ra sao mà học cả ngày rồi còn phải dạy thêm? Cấp trên có quản được trường, giáo viên gợi ý hay ép HS “tự nguyện” học thêm? Và cuối cùng, với lương GV như hiện nay thì xin lỗi các thầy cô, thu nhập ở đâu sẽ là chính?

Nếu ngành giáo dục trả lời thỏa đáng được các câu hỏi trên, tôi tin phụ huynh, trong đó có tôi, sẽ bớt nghi ngại không bị gợi ý và ép buộc khi HS phải học thêm. Còn mọi thứ vẫn chưa rõ ràng, e rằng mọi chuyện vẫn như cũ, phụ huynh HS mệt mỏi, GV tiếp tục gánh chịu điều tiếng và nhà quản lý lại loay hoay cấm, không cấm.

Cấm hay không dạy thêm và học thêm thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn. Khi mà thu nhập giáo viên, chất lượng chính khóa và áp lực thành tích chưa có cách giải hợp tình, hợp lý thì cái gốc của mọi vấn đề vẫn nằm đấy. Rồi chúng ta lại tranh cãi bất tận với tự nguyện hay không mà thôi…

Theo Lao động

học thêm

dạy thêm

quy định về dạy thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.