Thí sinh dự thi THPT Quốc gia xem sơ đồ phòng thi vào tháng 7/2016. Ảnh: Ngọc Châu.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT: Bịt thông tin giám sát
Nói nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án là không chính xác. Ví dụ tại Nhật Bản, họ có Trung tâm quốc gia tuyển sinh đại học thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.
Hàng năm Trung tâm này tổ chức kỳ thi bằng các đề trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa cho hơn nửa triệu thí sinh để toàn bộ các trường đại học công lập và phần lớn trường tư thục dùng kết quả xét tuyển. 2 tiếng đồng hồ sau khi kết thúc kỳ thi thì đề thi và đáp án phải được công bố. Đây cũng là kỳ thi quốc gia, cũng giống như thi THPT quốc gia của Việt Nam.
Ví dụ thứ hai là các kỳ thi SAT, ACT của Mỹ. Nên nhớ, đây không phải là kỳ thi quốc gia và các tập đoàn này đã hoạt động nhiều năm, rất chuyên nghiệp và có uy tín rất cao. Hai tập đoàn này họ có thể tổ chức 6 đợt thi trong năm. Các kỳ thi của họ cũng chủ yếu bằng trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa. Các tập in đề thi của họ đều được đánh số và sẽ được thu về đầy đủ sau mỗi kỳ thi. Thí sinh ở Mỹ hoàn toàn tín nhiệm các tập đoàn này, và họ cũng có thể tùy ý lựa chọn một trong hai tập đoàn để dự thi. Còn Bộ GD&ĐT của chúng ta, công tác làm đề thi vẫn còn chệch choạc khiến dư luận băn khoăn. Giờ không công bố tức là “bịt” hết thông tin giám sát. Bộ có nói là làm nhiều đề khác nhau. Nhưng tôi thấy có một điều rất nguy hiểm là làm thế nào để các đề đó tương đương với nhau. Nếu nó tương đương thì mới so sánh được với nhau.
Tại sao nên công bố đề thi sau khi thi? Theo tôi, thứ nhất điều đó phù hợp với xu hướng tạo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục mà Bộ đang khuyến khích, thí sinh và xã hội yên tâm và hoan nghênh, xã hội giúp giám sát các bộ phận có trách nhiệm làm đề thi và xem xét đề thi nếu có vấn đề thì xử lý để đảm bảo sự công bằng. Về phía các bộ phận làm đề thì sẽ tăng thêm ý thức trách nhiệm khi được giám sát. Nhưng điều bất lợi là làm lộ một số ít câu hỏi thi nên các năm sắp tới không sử dụng lại được.
Tuy nhiên Bộ vừa công bố là đã xây dựng và thẩm định được 45.000 câu hỏi, như vậy số câu hỏi sẽ công bố là rất nhỏ, không đáng kể. Còn việc không công bố đề thi thì rất bất lợi. Trước hết, nó ngược với xu hướng khuyến khích sự minh bạch hiện nay, thí sinh và xã hội nghi ngờ, không yên tâm vì mất quyền giám sát. Tôi cho rằng chúng ta đang tiến một bước về công nghệ thi cử trong kỳ thi 2017, nhưng lại lùi một bước về xu thế minh bạch. Còn cái lợi của việc không công bố đề thi thì thực ra rất nhỏ đó là giữ được bí mật cho một số ít câu hỏi và giúp cho những người có trách nhiệm làm đề đỡ lo lắng vì không bị xã hội giám sát. Có lẽ do tính toán lợi hại như vậy mà nhiều nước đã quyết định công bố đề thi ở các kỳ thi quốc gia.
TS Đàm Quang Minh, nguyên hiệu trưởng ĐH FPT: Phải có bên thứ ba giám sát
Thực ra, thông thường kỳ thi của một số nước họ cũng không công bố, nhưng Việt Nam đã có tiền lệ là công bố đề thi hàng năm sau mỗi kỳ thi. Thi trắc nghiệm nhiều mã đề. Nên công bố cũng khó, vì công bố cũng rất phức tạp. Vấn đề là ở niềm tin. SAT hay ACT không công bố cũng không có ai thắc mắc. Đề trắc nghiệm theo kiểu năm nay thì công bố với không công bố khó khăn hơn. Đề trắc nghiệm khác với đề tự luận. Đề tự luận mỗi năm một chủ đề nhưng đề trắc nghiệm liên quan đến ngân hàng đề, công bố sẽ bị lộ, có thể dẫn đến chuyện luyện thi hay học tủ. Theo tôi, có thể không công bố nhưng phải có cơ quan giám sát. Tức là phải có một tổ chức thứ ba giám sát. Ví dụ như môn Toán có thể để hội Toán học Việt Nam giám sát, môn Lý để hội Vật lý giám sát...
Lấy cơ sở gì để chấm phúc khảo?
Một chuyên gia giáo dục khẳng định từ khi thi ba chung đến nay, chưa năm nào Bộ GD&ĐT không công bố đề thi. Vậy tại sao năm nay lại không công bố. Theo vị chuyên gia này, nếu không công bố đề thi, không công bố đáp án thì khi tiến hành phúc khảo sẽ rất phức tạp. Bằng chứng là vừa qua, trường nọ đã có một thí sinh đòi phúc khảo. Dù rút bài thi, đưa cho thí sinh nhưng thí sinh chỉ nhận chữ của mình trong bài thi tự luận là đúng, còn trong phiếu trả lời trắc nghiệm thì không nhận. Cuối cùng trường phải nhờ đến công an giám định. Vậy năm tới, nếu không công bố đề, không công bố đáp áp thì các sở sẽ xử lý vấn đề này thế nào?