Từng là nạn nhân mạng xã hội, nữ sinh bày cách thoát "ném đá"

Vấn đề mà Nguyễn Thu Thảo và Ngọ Thị Quỳnh Trang đưa ra thực sự đang âm ỉ trong cộng đồng học sinh

Từng phải vượt qua cảm xúc tồi tệ khi là nạn nhân bị “ném đá” trên mạng xã hội, Nguyễn Thu Thảo và Ngọ Thị Quỳnh Trang (học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang) đã quyết định tìm hiểu dự án tác động của hiện tượng này đối với học sinh THPT.

Tại hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018, dự án “Tác động của hiện tượng ném đá trên mạng xã hội đối với học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” khiến nhiều người đặc biệt chú ý.

Vấn đề mà Nguyễn Thu Thảo và Ngọ Thị Quỳnh Trang đưa ra thực sự đang âm ỉ trong cộng đồng học sinh. Bởi ngay những ngày gần đây, mọi người bàng hoàng hay tin một nữ sinh Nghệ An đi đến quyết định tự tử chỉ sau ít ngày bị tung clip nhạy cảm trên mạng xã hội với những bình luận… “ném đá”.

nữ sinh,mạng xã hội
Nguyễn Thu Thảo và Ngọ Thị Quỳnh Trang (học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang) tại bên gian trưng bày dự án của mình tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018. Ảnh: Thanh Hùng.

Thu Thảo (lớp 12 chuyên Văn) và Quỳnh Trang (lớp 11 chuyên Sử - Địa) có cơ hội biết đến rồi chơi thân vì Thảo là Phó bí thư đoàn trường còn Trang là lớp trưởng với nhiều hoạt động tiếp xúc nhau.

“Cũng vì thế mà em cũng được biết chị Thảo từng bị "ném đá" rất nhiều trên mạng xã hội” - Trang kể và cho biết ý tưởng nảy sinh dự án.

Đơn thuần chỉ xuất phát từ chuyện học tập, Thảo bị nhiều bạn khác đưa ra bàn tán và có những bình luận không hay trên trên Facebook cá nhân và cả những topic trên các trang Confession (một dạng bày tỏ thái độ, quan điểm nặc danh trên mạng xã hội).

Thu Thảo chia sẻ: “Khi biết hay đọc được những dòng nói xấu, đầu tiên em cảm thấy rất sốc và rồi đã tự hoài nghi về bản thân rất nhiều, và đặt câu hỏi tại sao mình lại phải trải qua vấn đề như thế? Sau đó, em buồn, thất vọng và stress, có đợt còn bị trầm cảm nhẹ.

Trong một thời gian dài, em không có niềm vui và gần như không có động lực để làm bất cứ việc gì, kể cả học tập hay đi ra ngoài tiếp xúc bạn bè. Lúc đấy, em chỉ muốn khép kín hoàn toàn, không muốn giao tiếp mà chỉ muốn ngồi một chỗ, ở một mình. Thậm chí, nhiều bạn đã phải canh chừng để tránh việc em nghĩ quẩn. Và Trang là một trong số đó”.

Thấy Thảo bị "ném đá", Trang nghĩ rằng cần thiết phải làm điều gì đó để thay đổi trong giới học sinh. Và không gì hiệu quả hơn khi thuyết phục luôn người bị “ném đá” nghiên cứu cùng mình để có được sự thấu hiểu.

Thảo nói “Chúng em thấy ở Việt Nam lại chưa có một công trình nghiên cứu chính thức nào về vấn đề này, mà nhu cầu xuất phát từ chính chúng em khi từng phải trải qua cảm giác do hiện tượng này đem lại”.

Nghĩ là làm, hai nữ sinh quyết định nghiên cứu để xem tác động và đưa ra những giải pháp giảm nhẹ.

nữ sinh,mạng xã hội
Giới thiệu về dự án “Tác động của hiện tượng ném đá trên mạng xã hội đối với học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Ảnh: Thanh Hùng.

Quỳnh Trang chia sẻ: "Trong quá trình đi khảo sát, chúng em đã tiếp xúc với rất nhiều người là nạn nhân của hiện tượng này, và cảm xúc của các bạn hầu như là tiêu cực. Có bạn rất buồn, thậm chí không còn muốn đi học, cảm thấy bản thân bị cô lập và không thể tham gia vào những cuộc trò chuyện trong trường học. Có bạn đã nghỉ học tới 1 tuần, thậm chí có những bạn thừa nhận đã từng có ý định tự tử ở những thời điểm nhất định”.

Khó khăn nhất của 2 cô bạn là quá trình điều tra và thu thập số liệu. “Chúng em đã tiến hành khảo sát hơn 1.000 học sinh trên toàn tỉnh và trải khắp tất cả các huyện, thành phố. Vừa tạo cả link khảo sát online vừa làm phiếu phát trực tiếp. Chúng em phải đi đến tất cả các huyện để phỏng vấn sâu, xin ý kiến trực tiếp để thu thập từng thông tin, dữ liệu. Khó khăn nhất là với các huyện vùng núi, vùng sâu vùng xa khi thời gian đi lại mất rất nhiều trong khi còn phải đảm bảo lịch học khá nặng ở trường”.   

Qua khảo sát trên tất cả 10 huyện và thành phố của tỉnh, số liệu đôi bạn thu được là có đến 3/4 (75,8%) số học sinh thừa nhận bản thân đã từng có hành vi “ném đá” người khác trên mạng xã hội. Và cũng đến 90,9% đánh giá tác động của những hiện tượng là tiêu cực nhiều hơn.

Cảm xúc của học sinh khi bị "ném đá", hầu hết là thấy buồn, cảm thấy bị tổn thương hoặc phẫn nộ, bực tức; thậm chí hơn 10% bị sốc và mất niềm tin vào cuộc sống.

Khả năng vượt qua khó khăn khi bị "ném đá" là có, nhưng không dễ dàng, thậm chí có đến 15% thừa nhận không vượt được. Cũng vì thế mà dẫn đến những hành vi như muốn ở một mình và khóc, hành động một cách tiêu cực.

Nguyên nhân trực tiếp gây tác động tinh thần là do các bạn trẻ chưa có kỹ năng sống, chưa nhận thức đầy đủ, đúng đặn về hiện tượng, chưa độc lập trong suy nghĩ, đánh giá và bị cuốn theo tâm lý đám đông.

Từ đó, hai nữ sinh đề ra giải pháp đối với cả nhóm “bị ném đá” và nhóm “đi ném đá” để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

“Các giải pháp do chúng em đưa ra hoặc tham vấn giới trẻ, và có thực nghiệm. Đồng thời chúng em cũng nghiên cứu những tài liệu về tâm lý và liên hệ tới những chuyên gia tâm lý của ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế quốc dân để đưa ra những giải pháp” - Thảo nói.

nữ sinh,mạng xã hội
Cẩm nang giải pháp khi bị "ném đá" của đôi bạn trẻ. Ảnh: Thanh Hùng.

Theo hai nữ sinh, cần khuyến khích nhóm "đi ném đá" tham gia các lớp học giao tiếp, trải nghiệm kính thực tế ảo để hiểu cảm xúc của một người khi “bị ném đá”.

“Chúng em đã kêu gọi các bạn học sinh trên địa bàn toàn tỉnh trải nghiệm dùng kính thực tế ảo để vào vai và “nếm thử” cảm xúc của người bị "ném đá”".

 Với nhóm học sinh "bị ném đá", giải pháp ở đây là khuyến khích mở ra và kêu gọi tham gia câu lạc bộ những người từng bị "ném đá" trên mạng xã hội. “Chúng em muốn xây dựng một cộng đồng cho những người từng “bị ném đá”, bởi khi từng là nạn nhân thì chính họ sẽ lắng nghe, thấu hiểu và có thể giúp đỡ, động viên nhau ngay được. Mô hình này được định hướng là những câu lạc bộ gặp mặt thường xuyên ở các trường”.

“Chúng em đã phát cẩm nang cho toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố và nhiều huyện, trên cả mạng xã hội nữa. Đã có nhiều phản hồi tích cực”.

Về phần Trang, nhờ có bạn bè chia sẻ và có động lực riêng là theo đuổi đề tài, sau một thời gian em đã vượt qua được cảm xúc tồi tệ. “Đó vừa là kết quả nghiên cứu vừa là trải nghiệm của chính bản thân em. Hiện tại, em đã vui vẻ bình thường trở lại và rất lạc quan”.

Đôi bạn hy vọng với những biện pháp mình đưa ra sẽ khắc phục được những tác động tiêu cực của hiện tượng "ném đá" trên mạng, không chỉ với học sinh tỉnh Bắc Giang mà còn trên cả nước.

“Trong tương lai, chúng em sẽ tiếp tục mở rộng ra và không chỉ với học sinh THPT mà mọi đối tượng. Chúng em cũng xác định khi lên đại học vẫn sẽ tiếp tục với dự án, bởi khi đó có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài liệu, giáo trình và các chuyên gia trong lĩnh vực này” - Trang chia sẻ dự định.

Theo VietNamNet


nạn nhân

ném đá

nữ sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.