7 món ăn vặt tuyệt ngon cho bữa xế Sài Gòn

Bò bía, gỏi, bột chiên, phá lấu… là những món quà xế quen thuộc của người Sài Gòn. Từ khoảng 3 giờ chiều trở đi là những hàng quán bán các món này lại tấp nập khách ghé đến.

Bò bía, gỏi, bột chiên, phá lấu… là những món quà xế quen thuộc của người Sài Gòn. Từ khoảng 3 giờ chiều trở đi là những hàng quán bán các món này lại tấp nập khách ghé đến.

1. Bò bía

Bò bía là món quà xế yêu thích của nhiều người. Một cuốn bò bía thường gồm củ sắn và củ cải trắng hấp chín mềm, con ruốc rang mặn, thêm vài miếng trứng chiên xắt sợi mỏng, vài lát lạp xưởng, ít rau xà lách, rau thơm. Tất cả được cuốn trong miếng bánh tráng trắng mỏng. Chấm kèm bò bía là chén tương đen hơi sền sệt, rắc thêm đậu phộng rang bùi bùi, hành phi giòn, đồ chua.

Bò bía được bán rộng rãi trên những chiếc xe bán hàng rong. Nhưng nổi tiếng nhất là bò bía ở trước cổng trường đại học Sư Phạm và đại học Sài Gòn, đường An Dương Vương, Q.5. Buổi chiều, nơi đây luôn tấp nập các bạn trẻ thưởng thức bò bía và các món ăn vặt khác như mực nướng, gà nướng... Một nơi cũng “thâm niên” về bò bía là quán trên đường CMT8, đối diện công viên Tao Đàn. Ngoài bò bía, quán còn có bún riêu, gỏi khô bò cũng rất ngon.

2. Bột chiên

Nói đến quà xế Sài Gòn không thể thiếu bột chiên. Những khối bột gạo hình vuông màu trắng đục, ướp chút hắc xì dầu, nước tương để tạo màu nâu hấp dẫn. Chảo dầu thật nóng, đổ bánh vào chiên, đập thêm quả trứng gà, rắc ít hành lá xắc nhuyễn là có ngay đĩa bột chiên thơm nức mũi. Khi ăn, chan đều lên đĩa bánh chén nước tương pha giấm, có thêm đồ chua là đu đủ bào sợi ăn cho đỡ ngán. Miếng bánh nóng giòn, hòa cùng vị béo của trứng, nước tương vị chua ngọt càng ăn càng ghiền.

Sài Gòn rất nhiều nơi bán bột chiên, nhất là khu quận 5. Những tiệm vừa ngon vừa nổi tiếng là Đạt Thành ở Võ Văn Tần (Q.3), bột chiên đường Phùng Hưng (Q.5), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), xe bột chiên góc đường Phùng Khắc Khoan - Điện Biên Phủ…

3. Phá lấu

Phá lấu là món ăn chơi phổ biến ở Sài Gòn, được chế biến từ bộ lòng heo gồm gan, bao tử, lòng, lá sách, lá mía..., nấu trong nước dừa và các gia vị ngũ vị hương, bột nghệ, ớt. Khi ăn, đừng quên chấm miếng lòng vào chén mắm me chua ngọt, cắn thử một miếng, dai dai, sần sật, vị mặn-ngọt-cay đậm đà lan tỏa khắp vòm miệng. Phá lấu thường ăn kèm với bánh mì nóng giòn. Ngày nay, theo nhu cầu thị hiếu thực khách còn có “phiên bản” phá lấu mì gói hay phá lấu mì khô.

Món phá lấu Sài Gòn gắn liền với tuổi học trò nên thường được bày bán ở trước cổng trường. Hàng phá lấu bò trước trường Ba Đình (Q.5), trường Gia Định (Bình Thạnh), hay trường Marie Curie (Q.3) nổi tiếng trong giới học sinh. Phá lấu đường Tôn Đản, Xóm Chiếu (Q.4) cũng thu hút giới trẻ Sài Gòn.

4. Súp cua

Súp cua được chế biến khá đơn giản gồm thịt cua, trứng gà khuấy, nấm đông cô nấu trong nước hầm xương và pha thêm chút bột năng tạo độ sệt. Khi ăn, rắc thêm ngò, tiêu và sa tế. Chén súp cua nóng hổi, tỏa mùi thơm ngào ngạt như mời gọi.

Súp cua nổi tiếng ở Sài Gòn phải kể đến súp cua Hạnh (Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Tri Phương, Q.10), súp cua ở đây được chia thành những lon nhôm nhỏ. Khách gọi món, hấp cách thủy lon súp cua trước khi đổ ra chén. Ngoài ra còn có súp cua nhà thờ Đức Bà (Nguyễn Du, Q.1 ) súp nơi đây có thêm trứng bắc thảo béo ngậy, kêu chén thập cẩm thì thêm bò viên. Muốn ăn súp cua óc heo thì đến đường Hồ Tùng Mậu, Cô Giang (Q.1). Ngoài ra, súp cua chợ Thiếc (Q.11), chợ Hồ Thị Kỷ (Q.10) cũng được nhiều người Sài Gòn biết đến.

5. Gỏi khô bò

Đây cũng là món ăn vặt đặc trưng của Sài Gòn. Sợi đu đủ bào nhuyễn thấm nước xốt bò, bên trên là những miếng khô bò dai mềm, đậu phộng, rau thơm thái nhuyễn, bánh phồng tôm. Khi ăn cho thêm tương ớt hay sa tế. Thịt bò khô dai dai, sần sật, vị mặn đậm đà nước sốt bò, vị ngọt của đu đủ hòa cùng vị ớt cay nồng kích thích vị giác, ăn hoài không thấy ngán.

Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám (Q.1) và đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1) là 2 địa điểm nổi tiếng Sài Gòn. Hoặc có thể ghé quán bò bía trên đường CMT8, thưởng thức được cả 2 món ngon.

6. Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn Sài Gòn hiện nay có nhiều “phiên bản” khác nhau, tha hồ cho thực khách lựa chọn, như bánh tráng mỡ hành, bánh tráng me, bánh tráng cuốn… Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là bánh tráng trộn. Tùy theo tay nghề người bán và sở thích của thực khách mà mỗi nơi sẽ một kiểu trộn, nhưng không thể thiếu những nguyên liệu chính là bánh tráng phơi sương cắt sợi dài vừa ăn, mắm tôm, ruốc, trứng cút, khô bò, khô mực, xoài bào nhuyễn, rau răm, sa tế.

Sài Gòn có nhiều nơi bán bánh tráng trộn, để có thể thưởng thức nhiều loại thì bạn có thể ghé Nguyễn Thượng Hiền (Q.3), được mệnh danh là “con đường bánh tráng trộn”. Chỉ một đoạn ngắn mà có hơn chục quán bánh tráng trộn với đầy đủ các loại.

7. Ốc

Ốc Sài Gòn đa dạng về chủng loại: ốc móng tay, ốc len, ốc gạo, sò lông, sò huyết, sò lụa… và phong phú cách chế biến, từ luộc, hấp, xào tỏi, xào me, nướng muối ớt, nướng mỡ hành… Ăn ốc không thể thiếu chén nước mắm chua ngọt hay chén muối tiêu chanh. Chưa kể còn có hột vịt lộn luộc, hột vịt lộn xào me.

Mỗi loại ốc và mỗi cách chế biến đều mang đến vị ngon khác nhau. Ăn ốc thú vị nhất là cầm ốc bằng tay, dùng tăm lễ hoặc miệng hút. Nhai ốc đến đâu vị ngọt - mặn - chua - cay thấm đến đó.

Quán ốc Đào (Q.1), ốc Như đường Điện Biên Phủ (Q.3) hay khu vực ốc Q.4 (đường Vĩnh Khánh, Tôn Đản, Xóm Chiếu) là những nơi quen thuộc với “tín đồ ốc” ở Sài Gòn.

Theo PNO




Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.