Bánh coóng phù "sưởi ấm" mùa đông xứ Lạng

Mỗi miếng bánh coóng phù là sự kết hợp hài hòa của vị cay nồng của gừng, vị ngọt ngào của nước đường và vị dẻo thơm mềm mại của viên bánh.

Đang rảo bước đi dạo chợ đêm Kỳ Lừa, đôi chân tôi bỗng dưng... không chịu bước nữa, khi mũi "nghe" mùi thơm nồng ấm áp của nước đường gừng lẩn khuất trong gió.

Không khó để phát hiện ra mùi thơm ấm sực ấy được đưa ra từ một quán coóng phù ven đường. Cô bán hàng thấy tôi tần ngần nhìn thì mời tôi ngồi xuống ăn thử món quà đông xứ Lạng.

Bát bánh múc ra, cô bán hàng thấy tôi cứ loay hoay chụp ảnh bát bánh thì buồn cười lắm, liên tục giục tôi ăn ngay cho nóng. Trời ơi, làm sao tôi có thể nỡ ăn ngay khi bát bánh đẹp thế này mà chưa làm qua thủ tục "check in". Ngụp lặn trong làn nước đường nâu thơm mùi gừng là những viên bánh màu cam và trắng đã được luộc chín, thơm phức, đầy mời gọi.


Mỗi bát bánh coóng phù có cả viên bánh gấc và viên bánh trắng, chan thứ nước nâu nấu từ đường hoa mai và gừng thơm nức rồi rắc lên chút dừa dạo cùng lạc rang.

Tôi đưa viên bánh đầu tiên lên miệng, cắn một miếng nhỏ, cẩn thận khảo định, thấy vỏ bánh dai thơm mùi nếp kết hợp cùng phần nhân bánh ngọt ngọt bùi bùi. Tôi nhanh tay xúc thêm một chút lạc và dừa rồi chiêu thêm một thìa nước đường mới nuốt. Miếng bánh trôi xuống cổ làm cả người ấm xực lên, và cái rét ngọt đầu đông nơi miền núi dường như trôi đi đâu xa lắm...

coongphu

Mỗi miếng bánh là sự kết hợp hài hòa của vị cay nồng của gừng, vị ngọt ngào của nước đường và vị dẻo thơm mềm mại của viên bánh.

Cô bán hàng giải thích cho tôi về nguồn gốc của món quà vặt tôi đang ăn. Món ăn có tên là coóng phù này vốn là món ăn của người Tày. Thực chất món ăn khá giống với món bánh trôi nước ở miền xuôi, phần vỏ bánh cũng được làm từ bột gạo nếp nhưng phần nhân làm từ đậu xanh đồ chín giã nhuyễn và trộn cùng với đường kính. Ngoài phần bột trắng, người ta còn trộn thêm gấc vào vỏ bột để làm món bánh coóng phù gấc.


Có hai loại là coóng phù trắng và coóng phù gấc.

Việc nặn bánh cũng lắm công phu. Mỗi viên bánh được nặn to cỡ như viên bánh trôi, sau đó người làm dùng ngón tay chấm vừng rồi ấn dẹp ở một đầu rồi xếp ngay ngắn lên khay. Khi có khách, người bán mới thả những viên bánh vào nồi nước mật gừng, giữ nước sôi lăn tăn và chờ đến lúc bánh nổi lên là múc ra bát, chan nước đường và rắc dừa nạo cùng lạc rang lên trên.


Cô bán hàng thoăn thoắt nặn bánh, những viên bánh đều như đúc cùng một khuôn được xếp vào khay trông vô cùng bắt mắt.

Mùa đông, bạn có thể tìm thấy những quán bán coóng phù ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực chợ đêm Kỳ Lừa. Với mức giá chỉ mười nghìn đồng một bát, đây là món ăn vặt đáng thử khi đến thăm vùng non xứ Lạng đấy. Còn gì thú vị hơn khi ngồi trong quán nhâm nhi bát bánh nóng hổi trong khi gió lạnh vẫn thổi ngoài đường kia.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.