Những món ngon trứ danh của đất Bình Thuận

Bình Thuận có rất nhiều đặc sản ngon được chọn vào top 50 món ngon do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn hàng năm.

Bình Thuận có rất nhiều đặc sản ngon được chọn vào top 50 món ngon do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn hàng năm như mủ trôm, thanh long, lẩu thả, bánh canh chả cá, bánh căn, bánh hỏi lòng heo… và nhiều món ngon trứ danh khác.

Mủ trôm


Cây trôm.

Cây trôm.


Mủ trôm.

Mủ trôm.

Năm 2015, mủ trôm Tuy Phong (Bình Thuận) được lọt vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam do tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.

Giá trị kinh tế nhất của cây trôm là mủ trôm bởi trong mủ trôm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, làm lành vết thương.

Ngoài tác dụng giải nhiệt, thải độc, chống táo bón, cải thiện mỡ trong máu của mủ trôm, dầu chiết từ hạt trôm còn chữa được các bệnh ngoài da như ngứa.

Thanh long

Khí hậu Bình Thuận khá khắc nghiệt, quanh năm hanh khô lại phải hứng gió mùa Tây Nam rồi gió mùa Đông Bắc thổi từ biển vào. Chắc hẳn không có địa phương nào có kiểu khí hậu như thế, ấy vậy mà nó đã góp phần làm nên tính đặc thù cho loài cây “hoang dã”. Từ kết tinh nguồn dinh dưỡng thiên nhiên và sinh lực dồi dào dưới ánh nắng của vùng biển nhiệt đới, trái thanh long Bình Thuận trở nên có vị đậm đà rất riêng. Với những ai sành ăn, có thể dễ dàng nhận biết vị của trái thanh long Bình Thuận không thể lẫn vào đâu so với thanh long trồng ở nơi khác.

Lẩu thả Mũi Né

Ngày xưa, món bún thả được ăn kèm với giá sống, rau vạn thọ, bắp chuối xắt nhuyễn và rau thơm. Sau này, nhu cầu ẩm thực nâng cao, để du khách được nếm thử món ăn đặc trưng phong vị riêng của Mũi Né, bún thả được nâng cấp thành “lẩu thả” (có nơi gọi là lẩu bún cá Phan Thiết).

Nấu bún thả rất dễ, với các nguyên liệu cơ bản như cá suốt tươi, khế chín, cà chua và ớt băm (để nồi nước lèo mang vị se se cay và thêm phần bắt mắt).

Đến Mũi Né, nếu có dịp thưởng thức lẩu thả, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng đôi bàn tay tài hoa của các đầu bếp trong việc kết hợp các nguyên liệu như: thịt ghẹ, thịt heo, trứng gà, và các loại rau mùi… để biến thành một món ăn đặc biệt. Riêng bún ăn kèm cùng lẩu phải là bún Hàm Tiến (Phan Thiết) mới đúng chuẩn.

Trứng mực rau răm

Trứng mực hình thoi, màu trắng đục, ban đầu nhìn có thể lạ lẫm, tuy nhiên khi hấp lên nóng hổi, đem ra còn chút khói bốc lên sẽ khiến dạ dày bạn cồn cào vì thèm. Món này ăn rất đơn giản, chỉ cần chén muối tiêu chanh bên cạnh, cho thêm vài lát ớt cay, một đĩa rau răm ăn kèm cho thơm và một đĩa đồ chua là đủ.

Món này thường được bán nhiều ở vỉa hè, hoặc trong chợ Phan Thiết. Do món ăn được nhiều người địa phương rành ẩm thực ưa chuộng, nên muốn mua trứng mực tươi, bạn nên đi chợ sớm chứ đừng để quá trưa sẽ hết.

Món trứng mực này có thể ăn không, nhâm nhi vào buổi trưa hoặc chiều. Trứng mực còn được chế biến thành chả mực, chấm với tương đen, tương đỏ (tương ớt). Một đĩa trứng mực bán ngoài chợ làm sẵn từ 10.000 đến 15.000 đồng, và nên ăn khi mới hấp xong.

Mì Quảng vịt

Với người Phan Thiết, thay bằng ăn kèm thịt heo, thịt vịt mềm với hương vị cay cay, ngọt béo sẽ làm món mì Quảng càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Một tô mì Quảng vịt nóng hổi, thơm nồng với vị béo vừa phải của vịt cỏ cùng với vị cay của ớt, bùi của đậu phộng, hủ tíu và hương thơm của rau ăn kèm sẽ làm hài lòng dạ dày của bạn.

Răng mực nướng

Lúc trước, phần này của con mực thường được bỏ đi, sau đó vài người thử dùng để chế biến món ăn. Ngày nay, nó trở thành đặc sản địa phương cũng như món quà vặt quen thuộc của đời học sinh. Điểm hấp dẫn của món ăn này không nằm ở tạo hình mà là ở vị dai, giòn nhấn nhá cùng bánh tráng nướng, tương ớt vui miệng.

Các loại bánh

Bánh quai vạc tôm thịt

Tại Bình Thuận, bánh quai vạc không chỉ được bày bán tại các chợ, các con đường lớn nhỏ mà bạn còn dễ dàng thưởng thức ở các bãi biển của vùng đất này như Mũi Né, Hòn Rơm...

Bánh quai vạc thu hút du khách ở lớp bột trong veo, dai mịn, com tôm lột đỏ au hấp dẫn. Song yếu tố khiến du khách muốn ăn lại lần nữa chính là chén nước mắm được pha chế từ loại mắm nổi danh của địa phương hay miếng chả cá hấp dai, mịn.

Bánh tráng chấm mắm ruốc

Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.

Có hai cách phối vị cho món ăn này. Một là sự giao hòa giữa bánh tráng nướng chín, nhúng nước, rau sống, thịt hay cá, mắm ruốc cho món cuốn chấm. Một là chấm hẳn miếng bánh tráng nướng giòn tan, thơm lừng vào chén mắm ruốc cay nhẹ, thơm đậm. Mỗi cách có một cái thú khác nhau và tùy thuộc vào hoàn cảnh khác nhau. Song nhìn chung, vị thơm của món mắm vốn đậm vị và cái giòn tan, thơm lừng của bánh tráng nướng sẽ mang đến cho bạn hồi ức khá ngọt ngào.

Bánh hỏi lòng heo

Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.

Bánh canh chả cá

Điểm hấp dẫn của bánh canh chả cá Phan Thiết là ngoài những miếng chả cá chiên óng ả, miếng chả cá hấp ngọt mềm là những sợi bánh canh sợi nhỏ, rời có màu trắng sữa. Điểm thứ hai là nếu thưởng thức món ăn này tại đây, bạn đừng quên thử cách kết hợp lạ giữa bánh mì và nước dùng của người dân nơi đây.

Bánh rế

Bánh rế có nguồn gốc từ Phan Rang, Ninh Thuận, nhưng nay phổ biến và trở thành đặc sản của vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận. Nghề bánh rế chỉ tập trung nhiều ở những khu vực nội thành, là nghề truyền thống của mỗi gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh mùi vị có khác nhau đôi chút, nhưng vẫn hòa quyện tạo nên nét đặc trưng riêng, hương vị thơm ngon.

Bánh rế trông có vẻ đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải khéo léo. Khoai mì (sắn) hay khoai lang là một trong những nguyên liệu chính của loại bánh này. Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn chế biến khác nhau mới có thể chế biến được những chiếc bánh rế đậm đà.

Bánh căn

Đây là món ngon vỉa hè ở thành phố biển, thường thấy trên đường Ngư Ông, Hải Thượng, Thủ Khoa Huân hay dọc chợ Phan Thiết. Những chiếc bánh căn được nung chín bằng khuôn đất, bên trong là nhân đủ vị như thịt, trứng, mực, tôm...

Nước chấm là điểm nhấn cho món ăn với màu đỏ tươi hấp dẫn, được pha sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh xắt sợi nhỏ.

Bánh xèo

Bánh xèo Phan Thiết khác hơn so với bánh xèo các nơi ở chỗ, bên trong có đủ tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ... mà toàn là đồ tươi luôn sẵn có của miền biển. Bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường Tuyên Quang, Bình Hưng, Phan Thiết.

Gỏi cá, gỏi ốc


Gỏi cá

Gỏi cá

Gỏi cá Phan Thiết được chế biến từ những loài cá có sẵn như cá mai, cá suốt hay cá đục. Gỏi cá rất dễ làm nên các quán thường cạnh tranh nhau ở cách xử lý hay cách gia giảm mùi vị, nguyên liệu đi kèm. Một đĩa gỏi cá ngon phải đạt đủ chuẩn chua, cay của ớt, của hành tây ngâm giấm, tươi ngon của cá, cả cái giòn của những sợi rong tuyết đi kèm. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…

Gỏi ốc giác là món ăn chơi rất được ưa thích ở Phan Thiết. Không chỉ mát và bổ, món ăn này còn hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm rất riêng của ốc. Món gỏi là sự kết hợp của đu đủ, đậu phộng, rau rẩm, hành tây, khi ăn thường kèm với bánh tráng, phồng tôm và chấm cùng mắm chua ngọt.


Gỏi ốc voi

Gỏi ốc voi

Gỏi ốc voi cũng là món ăn lạ của Phan Thiết. Thật ra đó là cách gọi của dân miền biển gọi món gỏi ốc voi (một loài ốc tựa ốc giác). Thọt ốc voi được cắt lát nhỏ, không dày quá để ăn không dai mà vừa đủ giòn sần sật. Thịt ốc được trộn với xoài xanh, đậu phộng để thêm vị chua, bùi bùi. Đĩa gỏi được thêm rau răm, hành tây, ớt đỏ tạo hăng nồng là món khoái khẩu của nhiều người.

Cá lồi xối mỡ

Cá lồi sinh sống nhiều ở vùng biển Nam Trung Bộ, xuất hiện nhiều nhất là vào các tháng 7-8-9 âm lịch và thường có trọng lượng từ 0,5 – 5kg. Theo mẹo vặt của các bà nội trợ thì cá lồi lớn nhiều thịt và ngọt hơn cá lồi nhỏ.

Có thể chế biến nhiều món ngon từ cá lồi như nấu canh chua, kho tỏi, tiêu hay ớt, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cá lồi xối mỡ. Ngoài điểm nhấn độ ngọt, tươi của cá, nước mắm me với vị béo của gan cá cũng mê hoặc thực khách không kém.

Dông cát nướng muối ớt/Gỏi dông


Dông cát nướng.

Dông cát nướng.


Gỏi dông.

Gỏi dông.

Một món đặc sản khác cũng được chế biến từ dông cát là nướng muối ớt. Thịt dông được làm sạch để ráo nước và tẩm các gia vị cho vừa miệng sau đó được nướng trên than hồng. Thịt dông vừa chín tới sẽ săn mềm, ngọt thịt, mùi vị đậm đà thơm lừng. Ngay cả cái đuôi dông cũng không thể bỏ qua mà được cắt ra nướng riêng. Dông nướng lên có mùi rất thơm, đủ để làm xao xuyến vị giác của thực khách.

Theo GĐXH



Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.