'Méo mặt' vì thói nói xấu sếp

'Sáng ra đã bị 'chó cắn' rồi. Mình phải chịu đựng mụ yêu tinh ấy đến bao giờ nữa' - không may, danh sách bạn Facebook của Diệp có sếp.

Nói xấu sếp là chuyện không lạ ở chốn công sở. Có người nói xấu sếp chỉ nhằm mục đích "mua vui" trong lúc "tám chuyện" với bạn bè. Còn người sẵn có mâu thuẫn với sếp thì coi đây là dịp xả stress, tìm sự đồng tình từ người khác... Dù với mục đích nào thì có thể bạn sẽ gặp phải những tình huống trớ trêu, thậm chí "rước họa" nếu chuyện đến tai cấp trên của bạn.

Cứ tưởng sếp "gà mờ"

Lan Phương (25 tuổi, nhân viên kinh doanh) làm việc cho một công ty phần mềm nước ngoài. Ông chủ của cô là người ngoại quốc, nói tiếng Việt chưa sõi nhưng lại có tinh thần ham học hỏi. Tính sếp hoà đồng nên cuối tuần nào cũng tham gia câu lạc bộ bóng đá do các nhân viên nam trong công ty khởi xướng.

Có lần, Phương được các đồng nghiệp rủ đi xem sếp đá bóng. Lúc ấy, cô mới biết các anh nhân viên "lợi dụng" sếp không biết tiếng Việt nên gọi sếp là... cún. Mỗi lần sếp mắc lỗi là mấy cậu lại quát lên: "Ê, cún, đá kiểu gì thế?". Không biết sếp có hiểu không mà chỉ cười hì hì.

Hôm sau đến công ty, Phương kể chuyện này cho các "bà tám" nghe. Ai nấy cũng phá lên cười ha hả, chê sếp "gà tồ'. Mọi người đang "tán hươu tán vượn" rôm rả thì sếp vào hỏi đang kể chuyện gì. Mấy cô nhìn nhau cười hi hi và nói đang kể chuyện... con cún ở nhà. Sếp mỉm cười rồi thủng thẳng trả lời rành rọt: "Không phải, đang nói về tôi đấy chứ? Mấy cậu hôm trước gọi tôi thế nào, tôi hiểu hết đó". Sếp đi rồi, mấy chị em chột dạ, hoá ra sếp biết cả chỉ là không để bụng mà thôi.

Bị "bắt quả tang" nói xấu sếp

Không may mắn như Phương, Ngọc Hân (23 tuổi, kế toán) mỗi lần nhìn thấy sếp lại ngượng tím mặt chỉ vì thói buôn chuyện của cô. Mới chuyển đến làm kế toán cho một công ty thời trang, Hân làm dưới trướng của kế toán trưởng là nam. Hôm đó, sếp giao cho cô công việc tính bảng lương của nhân viên. Có vài chỗ không hiểu nên cô xin nick Yahoo của sếp để tiện trao đổi. Vì công việc không quá gấp gáp nên cô vừa làm, vừa tranh thủ nói chuyện qua Yahoo với một cô bạn đại học.

Lâu ngày không gặp, cô bạn hỏi han công việc mới thế nào, sếp ra sao. Như động vào "tổ ngứa" của Hân, cô viết ào ào một mạch: "Ôi, ông ý mông cong, ngực nở như kiểu đàn bà ý mày ạ. Giọng nói thì nhỏ như tiếng muỗi kêu. Nhìn chán đời lắm!". Nhân vật được "phác họa" trong câu chuyện của Hân sẽ chẳng bao giờ biết mình có được "vinh dự" như thế, nếu Hân không sơ suất gửi nhầm vào địa chỉ Yahoo của... sếp. Đến khi phát hiện ra sai lầm tai hại ấy, cô bắt đầu thấy toát mồ hôi hột mặc dù trời hôm ấy rất lạnh.

Trong lòng khi đó Hân chỉ hy vọng có phép màu xảy ra: tin nhắn không được gửi đi vì lỗi mạng hoặc sếp không đoán ra cô đang nói xấu ai nhưng cũng chuẩn bị tinh thần bị đuổi việc. Nhưng sau một tháng thử việc, cô vẫn được nhận vào làm chính thức nhờ những lời nhận xét tốt đẹp từ phía sếp. Điều này lại càng khiến cô thấy áy náy và xấu hổ khi chạm mặt sếp mỗi ngày.

"Mồm miệng hại chân tay"

Nói xấu sếp không phải là nhu cầu của riêng các chị em mà các anh em nhiều lúc cũng cần đến để giải tỏa sự bực bội, khó chịu khi có mâu thuẫn, bất đồng với sếp. Thanh Bình (28 tuổi) là nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên cung cấp các thiết bị y tế.

Khi nền kinh tế khó khăn, công ty cắt giảm nhân sự, Bình buộc phải kiêm thêm công việc thủ quỹ và kế toán. Anh luôn thấy mệt mỏi một phần vì công việc áp lực, một phần vì mức lương không như mong muốn. Lần ấy, sẵn có một đồng nghiệp từ trụ sở trong miền Nam ra công tác, hai anh em rủ nhau đi uống rượu để giao lưu. Rượu vào lời ra, Bình bộc bạch những ấm ức trong lòng với anh bạn kia, nào thì sếp tệ bạc, bóc lột nhân viên, quản lý kém... Bình không ngờ rằng, những lời của anh đã đến tai sếp thông qua ông bạn "quý hoá" kia. Tháng sau đó, lương của anh bị cắt giảm 10% và liên tục bị cử đi công tác. Mới đầu, anh cứ nghĩ là do chính sách chung của công ty nhưng về sau mới biết nguyên nhân thật sự là do "vạ miệng".

Đi "tàu suốt" vì chê sếp

"Tai nạn" đáng nói nhất vì chê sếp phải kể đến Ngọc Diệp (22 tuổi). Sau khi tốt nghiệp đại học, trong lúc chờ xin việc ổn định, cô làm lễ tân cho một công ty thực phẩm. Tưởng lễ tân là công việc nhẹ nhàng nhưng Diệp phải kiêm rất nhiều việc không tên khác như đi mua cơm cho nhân viên, trông đồ cho khách, thường xuyên phải đi giao hàng... Sếp cô lại là một người kỹ tính và cầu toàn nên không ít lần cô bị mắng, phạt vì giao nhầm hàng, nhận thiếu tiền...

Cho đến một hôm, Diệp được sếp yêu cầu giao hàng gấp đến nhà cho khách. Vì không muốn đi nên cô lấy lý do đi làm bằng xe bus để từ chối. Công ty chẳng còn ai nên sếp đích thân phải đi giao hàng. Lời nói dối của Diệp sẽ không bao giờ bị lộ nếu đến cuối giờ làm, cô không quên mất mình đã nói gì mà cứ ung dung đi lấy xe máy trước mặt các đồng nghiệp. Hôm sau, sếp biết chuyện đã gọi cô lên phòng làm việc và trách mắng cô gay gắt rằng: "Em còn trẻ thế mà đã biết nói dối như Cuội", "Không có tinh thần xả thân thì làm sao làm được việc lớn"...

Quá bức xúc, Diệp về bàn làm việc viết ngay lên Facebook cá nhân mà không suy nghĩ: "Sao số mình khổ thế. Sáng ra đã bị 'chó cắn' rồi. Mình phải chịu đựng mụ yêu tinh ấy đến bao giờ nữa đây? Công ty thì chả ra gì mà cứ làm như chuyên nghiệp lắm. Đến cái đứa giao hàng tử tế cũng không có...". Thật không may cho cô, trong danh sách bạn bè trên Facebook của cô lại có sếp. Và chỉ 5 phút sau, cô được sếp "trân trọng" mời vào uống trà và cho nghỉ vô hạn ở nhà từ ngày hôm sau.

Theo Ngôi sao



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.