V.League và chuyện "quyền của cái miệng”

Nhiều HLV lẫn GĐKT của các đội bóng lên tiếng về cái sai, sự bất cập của V.League 2016 nhưng nghịch lý là họ nói xong phải lo sợ bị ghét, sợ bị ép…

Nhiều HLV lẫn GĐKT của các đội bóng lên tiếng về cái sai, sự bất cập của V.League 2016 nhưng nghịch lý là họ nói xong phải lo sợ bị ghét, sợ bị ép…

Nói nhiều “ăn” văn bản

Một giải đấu muốn tốt lên thì Ban tổ chức giải, những người có trách nhiệm cần biết lắng nghe tiếng nói từ các đội bóng, bởi họ được ví như cánh tay nối dài để những người điều hành giải đấu có thể sửa sai.

Nhưng V.League có sự nghịch lý lớn là nói nhiều sẽ "ăn"… văn bản, theo kiểu không muốn bị soi mói để vạch áo cho người khác xem lưng, sợ ảnh hưởng uy tín và bộ mặt giải đấu.

v.league va chuyen "quyen cua cai mieng” hinh anh 1

HLV Lê Thụy Hải nhiều lần bị VFF phạt vì tội nói nhiều.

Năm ngoái, V.League 2015 trôi về những vòng đấu cuối liên tục bị nghi luận đặt dấu hỏi lớn về "tính kịch", sự bốc mùi ở cuộc đua trụ hạng. Một trong những người có kinh nghiệm nhất là HLV Trần Bình Sự xung phong lên tiếng muốn công an vào cuộc để điều tra những trận đấu bất bình thường, nhưng sau đó phải im lặng.

Dư luận nghi tiêu cực và HLV Trần Bình Sự có kinh nghiệm hơn 50 năm gắn liền với bóng đá Việt Nam cũng nghi ngờ. Đó là điều mà Ban tổ chức giải cần lắng nghe để tìm câu trả lời cụ thể. Nhưng ngay lập tức, ông thầy “bạc già” này đã phải “ăn” văn bản từ VPF với lời nhắc nhở về những phát ngôn “nhạy cảm”.

Trước vụ việc HLV Trần Bình Sự bị nhắc nhở, HLV Lê Huỳnh Đức đã bị “ăn” văn bản do những phát ngôn về vấn đề trọng tài ở sau trận thua CLB Hà Nội T&T. Thậm chí, các HLV sẽ bị cấm chỉ đạo nếu tái phạm hoặc phát ngôn quá khích về công tác trọng tài.

Mới đây, CLB Hải Phòng đã ngao ngán vì lỡ tố trọng tài trong trận đấu với HAGL ở vòng 15 V.League 2016. Họ đã phải nhận văn bản nhắc nhở vì VPF cho rằng đội bóng đất Cảng phát ngôn thiếu tính xây dựng về các quyết định của trọng tài, dù chính ông Trưởng ban trọng tài "việt vị" với phát biểu "lệch pha" trên báo chí về chuyện trọng tài ở sân Pleiku.

Từ những văn bản điển hình kể trên có thể thấy: nếu đội bóng nào lỡ đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm của V.League và làm căng chuyện trọng tài sẽ phải nhận văn bản nhắc nhở từ VPF.

Tất cả giống như tấm gương để các đội bóng khác nhìn vào nếu có ý định lên tiếng về bất cứ chuyện gì ở V.League.

Bất bình không dám lên tiếng và phát biểu căng thẳng sẽ bị “tuýt còi” bằng văn bản, đồng nghĩa các đội bóng phải im lặng như sự thỏa, đồng lõa với các vấn đề nổi cộm của V.League. Đó là sự nghịch lý rất lớn của V.League khi tất cả buộc phải “sống chung với lũ”, dù những khúc mắc nhận được phúc đáp thỏa đáng hay không.

Và nói để làm gì

Sau vòng 17 V.League 2016, HLV Trương Việt Hoàng phát biểu cay đắng rằng: “Tôi biết, gần như tất cả các HLV và các CLB đều bức xúc nhưng họ im lặng, vì lên tiếng sẽ bị trọng tài ghét, rồi thổi ép. Nhưng tôi không có thể im lặng mãi được khi bị dồn ép quá mức”.

Cũng ở vòng 17, HLV Nguyễn Thanh Sơn nói: “Nhiều vòng đấu trôi qua trọng tài trở thành nỗi bức xúc của các đội bóng và tôi đã quen với điều đó rồi. Trận đấu nào cũng vậy, các trọng tài cũng có những sai sót nhất định và tôi không đưa ra ý kiến gì về việc này”.

Trong khi đó, Trưởng Ban trọng tài – ông Nguyễn Văn Mùi đánh giá: “Rõ ràng, trọng tài còn những thiếu sót nhưng không nghiêm trọng để ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Sai sót là chuyện tất yếu và sai như thế nào chúng tôi cần xem lại để đánh giá…”.

Một đánh giá khiến nhiều người ngao ngán, bởi không nói về chuyện tranh cãi ở vòng 17 thì ví dụ điển hình nhất là chuyện không nghiêm trọng sao VPF phải gửi văn bản xin lỗi SLNA, còn trọng tài Hà Anh Chiến bị treo còi hết giải như “con tốt bị thí để bảo vệ cả ván cờ” sau sự cố thổi phạt đền tưởng tượng ở vòng 9.

Chính cách xử lý bất cập ấy của VPF cùng Ban trọng tài đã khiến cho V.League 2016 trong mắt các đội bóng là một cuộc chơi không công bằng. Đầy những tiếng than và khúc mắc nhưng các đội bóng lên tiếng chỉ nhận thêm cay đắng và lo sợ bị ghét như HLV Việt Hoàng nói ở trên.

Một giải đấu bị oán than đến thế là cùng, nhưng kết cục vẫn là “chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Như ông Lê Thụy Hải phát biểu thì “lời nói của chúng tôi không phải là con người, các ông ấy mới là con người…”.

Nghiệt ngã thật, khi HLV và Giám đốc kỹ thuật than thở nhiều ở V.League chỉ được xem như “quyền của cái miệng”. Một giải đấu như vậy hỏi sao không nóng dần lên theo từng vòng đấu?

Theo Văn Nhân (Webthethao)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.