'Rộng cửa' vào đại học và… thất nghiệp

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tăng hơn 200.000 người so với năm 2016.

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tăng hơn 200.000 người so với năm 2016. Trong khi đó, Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, sẽ có một số điều chỉnh quan trọng như bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng đăng ký của thí sinh, các trường có quyền tham gia vào cổng thông tin tuyển sinh (phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT…

'Rộng cửa' vào đại học và… thất nghiệp
Không gì hơn “thực học”. Ảnh minh họa


Bỏ điểm sàn thì có “vỡ trận”?

Trong đó việc dự kiến bỏ điểm sàn được coi là một bước tiến quan trọng để Bộ GD-ĐT tiến tới giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng và giúp các trường khẳng định thương hiệu qua việc tuyển sinh đầu vào cũng như đảm bảo chất lượng sinh viên đầu ra. Quan trọng hơn, bỏ điểm sàn sẽ góp phần định hướng tự chủ cho các trường trong tuyển sinh cũng như khuyến khích trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng, phù hợp với thế mạnh của từng trường.

Tuy nhiên, dư luận lo ngại việc bỏ điểm sàn sẽ đồng nghĩa với việc thí sinh có thể ồ ạt vào học đại học và tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và nỗi lo chất lượng ĐH bị ảnh hưởng là hoàn toàn có cơ sở.  Đặc biệt, con số của thị trường lao động cho thấy, quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý I năm 2016. Đáng chú ý, trong số đó có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Thế nhưng, dù bỏ điểm sàn thì với không ít trường ngoài công lập vẫn là một câu chuyện không có hồi kết trong tuyển sinh. GS.Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng cho rằng, việc bỏ quy định điểm sàn là hoàn toàn hợp lý. Việc quyết định lấy ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển như thế nào là một tiêu chí quan trọng khẳng định thương hiệu của các trường.

Việc có ý kiến lo ngại khi Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn sẽ không kiểm soát được chất lượng “đầu vào”, GS. Nghị cho rằng, chất lượng giáo dục là quá trình, phương pháp đào tạo của các trường và cách thức học tập của sinh viên. Không phải là khi thí sinh có điểm “đầu vào” trường đại học tốt thì “đầu ra” cũng như vậy. Việc cho các trường mở rộng tuyển sinh không có ý nghĩa bằng việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, quy chế năm nay đã mở hơn cho các trường trong công tác tuyển sinh khi không có điểm sàn, được tuyển sinh nhiều đợt trong năm, tuy nhiên theo GS.Nghị, e  ngại rằng, nhiều trường đại học ngoài công lập vẫn sẽ khó… sống. Bởi theo ông Nghị, nếu 12-15 năm về trước, có khoảng 30.000 sinh viên đăng ký vào Trường Đại học Dân lập Hải Phòng mà trường chỉ lấy 1.200 chỉ tiêu. Cả nước lúc đó chỉ có 130 trường đại học thì nay đã tăng lên khoảng 3 lần.

Mặt khác, ở Hải Phòng khi đó chỉ có 2 trường ĐH, CĐ thì nay đã lên 5-7 trường trong khi số học sinh thì không tăng lên. GS. Nghị cũng chia sẻ, trong mấy năm qua, dù đã tuyển sinh chỉ qua xét tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT nhưng chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu của trường.

Chỉ có cạnh tranh và… “thực học”

Sắp tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ thúc đẩy các cơ sở đại học công lập và ngoài công lập cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên quá trình đó phải đảm bảo tính bình đẳng, tránh trường hợp trường tư thục có ngành tốt nhưng không được hỗ trợ, lại bao cấp những ngành, trường công lập không cần thiết. Những ngành khoa học cơ bản cũng cần được chú trọng đầu tư nhưng phải thay đổi phương thức cần chất lượng hơn là số lượng sinh viên ở đầu vào.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thẳng thắn rằng, trên thực tế, dù Bộ có bỏ điểm sàn, nhiều trường top dưới, gồm cả công lập và ngoài công lập cũng không tuyển sinh được hoặc không tuyển sinh được đủ chỉ tiêu. Chính vì thế, để thúc đẩy mạnh hơn nữa chất lượng đào tạo thì các trường đại học phải công khai điểm tuyển đầu vào, để xã hội đánh giá, người học lựa chọn, đó mới là cách tự chủ đại học mà Bộ muốn giao cho các trường.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng,  ở trong giai đoạn cạnh tranh để giành được những thí sinh “chất lượng” buộc các trường phải thay đổi tư duy năng lực để thu hút sinh viên. Và ở các trường đại học ngoài công lập, với quan niệm giáo dục toàn diện, thực học, thực hành, coi chất lượng giảng viên là “sự sống còn”, các trường tư luôn tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại trường bằng cách tuyển thêm nhiều giảng viên giỏi từ các trường đại học nổi tiếng. Hơn nữa, họ còn mời các thầy cô là giám đốc những công ty, tập đoàn lớn về trường để trực tiếp giảng dạy mà tiêu biểu là các trường như Đại học Nguyễn Trãi, Đại học FPT, Đại học Đại Nam...

Ngược lại, ở các trường đại học công lập có số lượng sinh viên quá lớn trong một lớp học. Trong khi đó, ở các trường ngoài công lập sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên lại dễ dàng hơn vì sĩ số lớp học không nhiều, chỉ bằng 1/2 so với các trường công lập.

Không chỉ liên tiếp thay đổi hình thức tuyển sinh, chất lượng giáo dục đại học được coi là xa rời thực tế, không đáp ứng được nhu cầu nhân lực, tỉ lệ thất nghiệp cao do một phần sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đào tạo lại với tỉ lệ cao…

Và trước con số hơn 200 ngàn cử nhân thất nghiệp, nó có thể phản ánh phần nào bộ mặt của một nền kinh tế thiếu cơ hội việc làm; phản ánh phần nào chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học, khiến những sinh viên tốt nghiệp đại học không đáp ứng được nhu cầu lao động... Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, nếu phần lớn kỹ sư, cử nhân đều hài lòng với việc làm công ăn lương, sẽ không có khởi nghiệp.

Có một thực tế là đa số các cơ hội việc làm của nhóm lao động có bằng cử nhân, thạc sĩ đều tập trung tại khu vực đô thị. Trong số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp... phần lớn thoát ly từ khu vực nông thôn và không trở về làng quê của mình. Khi nguồn nhân lực có trình độ cao gặp khó khăn tìm kiếm việc làm ở thành phố thì lựa chọn về quê tìm cơ hội sẽ được nhiều người nghĩ đến.

Phát biểu tại hội nghị giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học sáng 7/1 tại Đà Nẵng, nói về vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định nâng cao chất lượng giáo dục đại học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, có nhiều yếu tố để cải thiện chất lượng đào tạo đại học.

Trong đó, phải bắt đầu từ thị trường lao động. Chính vì vậy, ông cũng đặt câu hỏi trách nhiệm của hiệu trưởng thế nào trước những dự báo? Mặt khác, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, đội ngũ giảng viên của Việt Nam đang có vấn đề. Chỉ có khoảng 17-20% giảng viên có trình độ từ tiến sĩ, còn lại phổ biến là thạc sĩ, cử nhân.

Bộ GD-ĐT đã xác định, chỉ có đổi mới công tác quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ, tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá chất lượng đầu ra, đào tạo theo nhu cầu xã hội thay vì đào tạo dựa trên thế mạnh của nhà trường mới có thể thực hiện được mục tiêu, sứ mệnh của giáo dục đại học.

Theo Pháp luật TP.HCM



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.