Tôi đã giúp con trai xin lỗi bạn lớp 1 như thế nào?

"Hãy dành thời gian và không gian để con bạn tự đối mặt với những lỗi lầm và những cảm xúc phức tạp của nó"

"Hãy dành thời gian và không gian để con bạn tự đối mặt với những lỗi lầm và những cảm xúc phức tạp của nó" - TS Nguyễn Ngọc Minh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh trong bài viết chia sẻ về cách dạy con biết xin lỗi.

VietNamNet giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Ngọc Minh.

Chặng đường vào lớp 1 của Đỗ Đen không đến nỗi cam go trắc trở như tôi nghĩ. Suốt cả mùa hè, nó nghỉ ở nhà tập cắm nồi cơm, nhặt rau, lau nhà, nghịch phá, học đủ thứ nhảm nhí lẫn nghiêm túc từ thằng anh và bọn trẻ con hàng xóm.

Không đi học hè, không đi luyện chữ, nhưng may gặp được cô giáo cực tốt, nên lúc vào lớp 1 nó cũng không đến nỗi dốt quá, đi học về tự giác làm bài, không bao giờ đợi mẹ phải nhắc. Thậm chí, nó còn tự làm hết bài vào cuối giờ học để về nhà được thoải mái chơi.

lớp 1, kỹ năng sống, dạy con ngoan, dạy con thành công

"Hãy kiên nhẫn lắng nghe và cảm nhận, tôn trọng cảm xúc của con..." (Ảnh: Phạm Hải)

Nhưng hôm qua, tôi nhận được điện thoại của mẹ bạn Phát, nói Đỗ Đen hay trêu bạn Phát, còn đánh bạn nữa.

Lúc nghe lỏm mẹ nói chuyện điện thoại, mặt nó tái đi có vẻ lo âu. Sau khi xin lỗi mẹ bạn Phát và hẹn gặp vào sáng hôm sau, tôi quay ra thông báo tình hình với nó. Chỉ là thông báo tình hình là mẹ bạn Phát gọi điện cho mẹ, giờ mẹ không biết phải làm sao. Tôi nói bằng giọng bình tĩnh, nhưng hơi buồn buồn, rồi bỏ sang phòng khác dọn dẹp.

Thằng Đỗ Đen ngồi đó, nó lẩm bẩm biện hộ "Tại bạn Phát cướp tẩy của con. Ba lần rồi".

Tôi không nói gì, cứ để nó ngồi đó và tự vấn lương tâm. Nó nằm in thít trên ghế, không nghịch ngợm như mọi ngày, mặt lộ rõ vẻ lo lắng sầu não.

Tôi tiếp tục công việc của mình. Sau khi đã xong xuôi, tôi mới ngồi xuống bên cạnh và hỏi chuyện nó, không tỏ ra tức giận, chỉ có vẻ buồn buồn.

- Con kể cho mẹ nghe con trêu chọc, bắt nạt bạn ấy thế nào?

Nó nói:

- Con chỉ đẩy nhẹ vào chân bạn ấy thôi. Với lại chạm vào lưng bạn ấy thế này này. Nhưng tại bạn ấy nhiều lần cướp tẩy của con.

Tôi biết chắc là tội nó nặng, nhưng đang cố tình biện bạch để bào chữa và giảm nhẹ các tình tiết. Tôi bình tĩnh hỏi tiếp:

- Mẹ thấy mẹ bạn Phát bảo bạn ấy bé nhất lớp, lại còn yếu nữa. Thế con nghĩ xem có nên đánh hay trêu bạn ấy hay không?

Nó bảo:

- Ban đầu con nhắc bạn ấy, nhưng bạn ấy vẫn không nghe, vẫn cướp tẩy của con.

- Nhưng mà con đã trót trêu với đánh bạn ấy, giờ mẹ bạn ấy gọi điện cho mẹ, mẹ đang không biết phải làm sao bây giờ. Mẹ hẹn gặp mẹ bạn ấy vào sáng mai. Theo con giờ mình phải làm thế nào?

Hai mẹ con chuyện trò một hồi, nó nghĩ lên nghĩ xuống rồi cuối cùng đưa ra giải pháp:

- Hay là con xin lỗi bạn ấy.

- Thế con định xin lỗi bạn ấy thế nào?

- Con bảo với bạn ấy là: Tớ xin lỗi cậu, nhưng lần sau cậu đừng cướp tẩy của tớ nữa nhé.

- Thế còn mẹ, mẹ không biết phải xin lỗi mẹ bạn Phát thế nào? Con thử nghĩ xem mẹ nên nói gì với mẹ bạn ấy?

Nó gợi ý :

- Mẹ nói chị xin lỗi em.

Rồi nó dè dặt hỏi :

- Khi mẹ xin lỗi người khác, mẹ có ngại không?

Tôi nói :

- Mẹ ngại lắm. Hồi bé mỗi lần mắc lỗi mẹ cũng ngại không dám xin lỗi. Nhưng càng ngại thì lỗi của mẹ càng nhiều lên, nên cuối cùng mẹ cố gắng không ngại nữa để xin lỗi người khác. Mắc lỗi mà biết nhận lỗi và xin lỗi mới là người dũng cảm.

Nó hỏi :

- Mẹ ơi, thế có phải ai trên đời cũng phải mắc một lỗi hay không?

- Ừ, có người mắc nhiều lỗi nữa ấy. Nhưng khác nhau ở chỗ, người mắc lỗi sau đó biết nhận lỗi, biết xin lỗi để lần sau không mắc lỗi nữa thì thành người tốt. Người mắc lỗi nhưng không chịu nhận lỗi và sửa thì thành người xấu.

- Thế có phải người xấu thì kiếp sau bị biến thành con kiến, bị người ta dẵm chết có phải không? Con kiến bé tí như thế, mình không nhìn thấy nó, thế là có thể dẫm vào nó.

Có lẽ, nó sợ mình thành người xấu, kiếp sau bị biến thành con kiến, thế nên sáng hôm sau nó kiên nhẫn chờ hai mẹ con bạn Phát đến, và dũng cảm nói:

- Tớ xin lỗi cậu. Nhưng lần sau cậu đừng cướp tẩy của tớ nữa nhé.

Giọng nó không hào hùng như mọi ngày, mắt nó cụp xuống khi nói ra câu đó. Nhưng mà tôi biết đó là những lời nói xuất phát từ suy nghĩ thực của nó. Chỉ mong rằng sau này nó lớn lên, sẽ luôn dũng cảm đối mặt với sai lầm của mình.

Đây đương nhiên không phải lần đầu tiên nó mắc sai lầm. Chắc cũng phải là lần thứ một nghìn hai nghìn gì đó. Trong đó đến gần hai nghìn lần tôi đã xử lý sai cách, vì nóng giận, stress, không đủ thời gian, vì tự ái và trăm nghìn lí do khác. Nhưng có lẽ đây là lần mà tôi đã giải quyết êm thấm nhất các chuyện bê bối mà nó gây ra.

Có một qui trình giúp con tự kiểm soát, nhận ra, phân tích lỗi và tìm giải pháp. Qui trình đó tôi tóm tắt thành mấy bước như sau:

1. Bình tĩnh thông báo cho con tình hình và hậu quả mà con gây ra, không tức giận, không phán xét.

2. Cho con khoảng thời gian và không gian yên tĩnh để suy nghĩ, tự vấn lương tâm, hoặc có thể là tự bao biện, tóm lại là con cần được tĩnh tâm để nhớ lại vụ việc.

3. Cùng con phân tích tình hình, bằng cách đặt ra những câu hỏi: Sự việc diễn ra ra sao? Tại sao con mắc lỗi? Thay vì làm như vậy, con có thể làm khác không?…

4. Lắng nghe và không phán xét: hãy kiên nhẫn lắng nghe và cảm nhận, tôn trọng cảm xúc của con. Đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện thường có rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ hỗn độn - vừa biết mình có lỗi vừa thấy mình bị oan nên cố gắng tìm mọi cách để bào chữa, vừa lo lắng sợ hãi về hình phạt, vừa áy náy vì sợ mẹ buồn, vừa hối hận vì mình đã sai. Hãy giữ im lặng để con tự đối mặt với tất cả những cảm xúc ấy.

5. Khuyến khích con tự tìm ra giải pháp: bạn có thể tỏ ra mình ngu dốt, lo lắng, căng thẳng, buồn bã, đang loay hoay không biết giải quyết sự cố ra sao và đặt cho con những câu hỏi "Mẹ không biết phải làm thế nào bây giờ?", "Mẹ cảm thấy lo lắng quá!"…, và gợi ý cho con tự tìm ra cách giải quyết vấn đề.

6. Mở rộng vấn đề: sau khi con đã tìm ra giải pháp, hãy mở rộng vấn đề để con liên tưởng tới những tình huống khác trong cuộc sống, ví dụ như nếu không may con làm hỏng đồ của bạn thì con sẽ làm gì, nếu không may con làm bạn ngã thì con phải làm gì… Bạn cũng có thể kể chuyện mình đã từng mắc những lỗi gì trong quá khứ và khuyến khích con đưa ra lời khuyên. 

Bạn cũng có thể để con tự liên tưởng tới những vấn đề vĩ mô hơn của nhân sinh như: ai trong cuộc đời cũng mắc sai lầm, nhưng quan trọng là sau đó người ta biết nhận ra lỗi và sửa chữa.

Điều đặc biệt cần lưu ý là trong suốt quá trình này, bạn phải hết sức kiên nhẫn, bình tĩnh, lắng nghe, không áp đặt, không thiên kiến. Hãy dành thời gian và không gian để con bạn tự đối mặt với những lỗi lầm và những cảm xúc phức tạp của nó. Hãy dẫn dắt để con tự tìm ra giải pháp và cách giải quyết vấn đề.

TS Nguyễn Ngọc Minh(Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Theo VietNamNet


Dạy con

vào lớp 1

xin lỗi bạn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.