Ẩn số của Samsung trong cuộc chiến di động

Có thể bạn chưa nghe đến cái tên Tizen bao giờ, nhưng những tập đoàn đứng sau hệ điều hành này đều thuộc loại “có sừng có mỏ” trong ngành công nghệ.

Có thể bạn chưa nghe đến cái tên Tizen bao giờ, nhưng những tập đoàn đứng sau hệ điều hành này đều thuộc loại “có sừng có mỏ” trong ngành công nghệ.

Tizen được thừa hưởng một số công nghệ của Nokia và Intel (thông qua dự án yểu mệnh MeeGo), cùng với Samsung Electronics, Verizon và Vodaphone. Giờ đây, hệ điều hành này trực tiếp nằm dưới quyền kiểm soát của Samsung và Intel, và hai đại gia này hứa hẹn Tizen sẽ còn “cởi mở”, mang tính tùy biến cao hơn cả Android.

Có thể nói, Tizen giống như sự phản ứng của Samsung và Intel trước vị thế thống trị và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Android. Dựa trên Linux và hỗ trợ tích cực HTML5, Tizen cho phép các mạng di động tự cung cấp dịch vụ của mình, không phải lệ thuộc trải nghiệm người dùng vào Google nữa. Nó cũng giúp cho Intel nhảy vào cuộc chơi chip không dây dễ dàng hơn.

Cái tên Tizen có lẽ sẽ xuất hiện với tần suất tăng dần trong vài tháng tới, bởi trước cuối năm nay, loạt smartphone Tizen đầu tiên sẽ bắt đầu đổ bộ thị trường (đã có mạng NTT DoCoMo cam kết bán điện thoại Tizen). Samsung cũng cam kết sẽ bán mẫu smartphone Tizen đầu tiên trong năm nay.

Tất nhiên, khi lên kệ, Tizen cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức mà bất cứ hệ điều hành di động mới nào cũng gặp phải, từ việc khó khăn thuyết phục giới phát triển tạo ra các ứng dụng tương thích, cho tới thu hút sự chú ý từ người dùng khi mà thị trường đã quá đông đúc như vậy. Năm nay, Microsoft chắc chắn sẽ đẩy mạnh Windows Phone 8 trong khi RIM sắp công bố BlackBerry 10. Ngoài ra cũng phải kể đến nền tảng Ubuntu và sáng kiến Boot to Gecko của Mozilla.

Thế nhưng Tizen vẫn có được một tài sản lớn hậu thuẫn nó: sức mạnh tiếp thị và công nghệ từ Samsung, hãng chỉ trong vài năm đã vượt lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Trong mắt giới phân tích, thái độ của Samsung sẽ quyết định đến thành công và phạm vi ứng dụng của Tizen. Dù đang rất thành công với nền tảng Android qua những sản phẩm như họ smartphone Galaxy S hay Galaxy Note, song Samsung vẫn ao ước có được khả năng tùy biến cao của Tizen, điều mà Android không thể đáp ứng. Android mở thì có mở, nhưng các hãng điện thoại và nhà mạng sử dụng hệ điều hành này vẫn phải tuân thủ một loạt quy tắc “đồng thuận” để tránh tình trạng Android bị phân mảnh.

Nếu như tùy biến quá tay Android, các hãng điện thoại và nhà mạng sẽ không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Google hay liên minh Open Handset nữa. Thí dụ điển hình nhất chính là Amazon Kindle Fire, mẫu tablet này sử dụng một phiên bản Android bị chỉnh sửa nhiều đến mức không thể chạy được các dịch vụ và ứng dụng Google thông thường.

Trong khi đó, Tizen là lựa chọn lý tưởng cho những hãng tìm kiếm sự linh hoạt. Cụ thể, các nhà mạng coi Tizen là cách cung cấp các dịch vụ và tính năng độc quyền của mình trên smartphone, đảm bảo họ vẫn duy trì được kết nối mật thiết với các thuê bao. Lấy thí dụ, thay vì sử dụng dịch vụ thanh toán của Google, khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ của NTT DoCoMo chẳng hạn.

“Nếu chỉ trở thành một ống dẫn đơn thuần, doanh thu của chúng tôi sẽ sụt giảm”, đại diện NTT Docomo thừa nhận. Ống dẫn là một hiện tượng mà các nhà mạng trở thành cổng kết nối Internet đơn thuần, giúp người dùng truy cập vào các dịch vụ và ứng dụng béo bở do các hãng nội dung cung cấp.

Còn đối với các hãng điện thoại, Tizen là một lựa chọn nguồn mở để họ phòng xa, nhất là khi Google có thể cạnh tranh trực tiếp với các đối tác thông qua Motorola Mobility.

Về phần mình, Samsung cho biết Tizen là một phần kế hoạch đa dạng hóa nguồn lực của hãng, giảm bớt sự lệ thuộc vào hệ điều hành, nhưng không có nghĩa là hãng muốn đoạn tình dứt áo với Android.

“Google vẫn là một đối tác tốt, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Android”, Samsung tuyên bố. Và tại sao lại không chứ? Chỉ mới cách đây không lâu, Samsung còn bị coi là kẻ theo đuôi trong làng di động, khi nhập cuộc khá muộn sau những kẻ tiên phong ứng dụng Android như HTC. Nhưng chỉ trong vòng 2 năm, Samsung đã nhanh chóng vọt lên vị trí dẫn đầu, nhờ vào hàng loạt smartphone và tablet Android ăn khách.

Thế nhưng lịch sử cũng đã cho thấy, hệ điều hành di động hoàn toàn không phải là miếng bánh dễ nuốt.

Quỹ Linux Mobile được thành lập năm 2007, một năm trước khi mẫu smartphone Android đầu tiên được Google và T-Mobile USA công bố. LiMo nhanh chóng thu hút được nhiều thành viên đại gia như Samsung và Vodafone, nhưng trong khi Android cất cánh chóng vánh thì LiMo lại biến thành một dự án dang dở, với số lượng đối tác còn nhiều hơn cả tiến triển thực tế. Mãi đến đầu năm 2011, phiên bản đầu tiên của LiMo mới được tung ra, nhưng chẳng được ai chú ý đến. Tất cả các thành viên chủ chốt đều đang bận rộn khai thác Android. Hệ điều hành nói trên đã bị bỏ rơi ngay trong năm đó.

Nhưng có vẻ như giờ đây, Samsung đã cảm thấy “đủ” với Android. Một nền tảng mới sẽ mở ra một cơ hội mới.

Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.