Nguy cơ tiềm tàng từ sạc, cáp iPhone dởm tại Việt Nam

Sự việc một phụ nữ Trung Quốc bị tử vong vì điện giật khi sử dụng iPhone đang sạc làm dấy lên những mối lo ngại cho rằng sạc, cáp giả có thể chính là thủ phạm.

Sự việc một phụ nữ Trung Quốc bị tử vong vì điện giật khi sử dụng iPhone đang sạc làm dấy lên những mối lo ngại cho rằng sạc, cáp giả có thể chính là thủ phạm.

Những ngày gần đây, cộng đồng người dùng iPhone trong nước và quốc tế đang rất quan tâm đến sự việc một người phụ nữ Trung Quốc bị điện giật đến tử vong khi sử dụng một chiếc iPhone đang cắm sạc.

Cảnh sát địa phương kết luận, cô Ma Ailun, 23 tuổi, bị tử vong là do điện giật. Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ dù khẳng định tai nạn liên quan đến điện do sử dụng iPhone đang sạc là rất nhỏ, nhưng vẫn lưu ý với người dùng, nguy cơ đó sẽ tăng lên nếu sạc hoặc cáp đang sử dụng là loại không đủ tiêu chuẩn.

Chưa nói đến việc sạc, cáp iPhone dởm có thể làm tăng nguy cơ gây điện giật là chính xác hay không, nhưng việc sử dụng các sản phẩm “hàng lô” này có thể gây chết nguồn hoặc loạn cảm ứng trên máy là điều không hiếm gặp.

Anh Hồ Anh Vũ - mod của nhiều diễn đàn về iPhone tại Việt Nam - cho biết: “Cục sạc có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu không đủ ampe, sạc dởm rất dễ gây ra chết nguồn máy, đặc biệt là trên iPhone 3GS”.

Dạo qua nhiều cửa hàng iPhone hoặc phụ kiện điện thoại, các loại cáp, sạc dởm đang được bày bán rộng rãi. Anh T., chủ một cửa hàng điện thoại xách tay trên phố Thái Hà, chia sẻ: “Cáp, sạc iPhone zin (hàng xịn) khó kiếm lắm, giá bán lại đắt, trong khi hàng nhập theo lô từ Trung Quốc dùng cũng ổn nên người mua và người bán đều chọn loại này”.

Anh T. cho biết thêm, một cục sạc iPhone 5 xịn có giá bán khoảng 500.000 đồng, trong khi cả bộ sạc và cáp hàng “lô” chỉ được bán với giá khoảng 300.000 đồng. Với iPhone 4 hoặc 4S, giá phụ kiện hàng lô này còn rẻ hơn nhiều, chỉ 250.000 đồng cả sạc, cáp và tai nghe.

Đó là giá bán tại các cửa hàng, nơi được xem là khá uy tín đối với khách hàng, còn trên các diễn đàn hoặc trang rao vặt, sạc, cáp iPhone còn được rao bán với giá rẻ hơn nhiều, chỉ khoảng vài chục nghìn đồng mỗi thứ. Điều đáng nói ở chỗ, những người rao bán này đều khẳng định, sản phẩm của họ bán ra đều là hàng “zin”, thậm chí còn bày cho người dùng cách phân biệt giữa hàng xịn và hàng giả.

Anh T. cho biết, trên mạng hiện có khá nhiều cách phân biệt phụ kiện xịn và hàng giả, nhưng không phải cách nào cũng chính xác. Hàng dởm nhập từ Trung Quốc về hiện được làm tinh vi đến mức nhiều khi khó có thể phân biệt được.

Chia sẻ về cách phân biệt cáp iPhone xịn so với hàng giả, anh Hồ Anh Vũ cho biết: “Với cáp iPhone 5, chân cắm hàng zin là chân đồng mạ niken, không bị nam châm hút, trong khi hàng giả là chân sắt nên sẽ bị hút rất mạnh khi để gần nam châm. Ngoài ra, trên iOS 7 mới ra mắt của Apple có một tính năng rất hay, đó là phát hiện ra cáp giả và hiển thị thông báo tới người dùng”.

iOS 7 có tính năng phát hiện sạc, cáp hoặc phụ kiện giả, có thể gây hại cho iPhone.

Trên iPhone 4 hay 4S, chân tiếp xúc của cổng USB trên dây cáp được làm bằng đồng màu vàng, trong khi hàng lô sử dụng chất liệu nhôm màu trắng. Với cục sạc, lỗ cắm USB của hàng xịn 4 thanh đều màu vàng, chất liệu đồng, trong khe sạc in mã số serial rõ nét, mỗi cục có mã số series khác nhau, không trùng nhau. Đối với sạc 2 chân, dấu chấm xanh có màu sắc rõ nét và số serial được in rõ nét.

Anh Vũ cho hay, trong số những sản phẩm hàng dởm cũng phân ra loại 1, loại 2 khác nhau, nên rất khó để người dùng phân biệt.

Với những nguy cơ tiềm tàng nói trên, lời khuyên dành cho người dùng đó là giữ gìn cẩn thận nhóm phụ kiện như sạc và cáp đi kèm theo máy. Nếu bắt buộc phải thay thế phụ kiện, người dùng nên chọn mua phụ kiện chính hãng tại các cửa hàng ủy quyền để đảm bảo không có bất cứ sự cố đáng tiếc nào với sản phẩm cũng như sự an toàn của bản thân của người dùng.

Theo Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.