Phụ huynh khóc lóc, van xin vẫn không nộp được hồ sơ vào lớp 10 cho con

Trời Hà Nội nóng như đổ lửa, nhưng có lẽ cái nắng của thời tiết không thấm vào đâu so với sự lo lắng, căng thẳng của cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.

Trời Hà Nội nóng như đổ lửa, nhưng có lẽ cái nắng của thời tiết không thấm vào đâu so với sự lo lắng, căng thẳng của cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.

Một phụ huynh khóc hết nước mắt khi điểm chuẩn Trường Tạ Quang Bửu lớp 10 nhảy như chứng khoán, làm con chị từ đỗ thành trượt.

“Đoạn trường” nộp hồ sơ xin học cho con

Theo chân một phụ huynh đi xin học cho con vào lớp 10, phóng viên đã tận mắt chứng kiến nỗi đoạn trường của các bậc cha mẹ trong hành trình đi tìm một suất học cho các “Dê vàng” năm nay.

Ngày 29/6, ngay sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, chị Lương Thị H. (Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gác lại nỗi buồn để lao vào hành trình tìm chỗ học cho con.

Con chị được 46,5 điểm, trượt cả nguyện vọng một và hai. Sau khi nghe tư vấn, thấy Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thông báo điểm chuẩn là 46, sáng sớm 30/6, chị H lao đến trường để nộp hồ sơ.

Số người có nhu cầu vào học quá đông, phụ huynh phải xếp hàng chờ. Dưới cái nắng 39-40 độ C, chị H và hàng trăm phụ huynh vẫn kiên nhẫn chờ từ sáng sang chiều, bởi với họ, không gì quan trọng bằng việc xin được một suất học cho con, dù bụng đói, dù lưng áo mướt mồ hôi vì nắng nóng.

Tuy nhiên, mọi hy vọng, nỗ lực của phụ huynh đã "đổ sông đổ biển" khi trường Tạ Quang Bửu liên tục tăng điểm chuẩn lên mức kỷ lục. Sáng 30/6 là 46 điểm, chiều tăng lên 49, rồi hôm sau lên 50,5. Rất nhiều phụ huynh chầu chực nhiều ngày ở trường, nhưng cuối cùng thất vọng ra về.

Đặc biệt vào trưa 1/7, khi nhà trường thông báo dừng tuyển sinh, phụ huynh mỗi người một tâm trạng. Người khóc lóc, người van xin, người chửi thề.

“Em xin các chị, nhà em chỉ có 3 mẹ con. Con không đỗ được vào trường chắc em chết mất. Con em rất ngoan, không muốn gửi vào trường khác sợ hư con. Xin các chị nhận hồ sơ của cháu” - một phụ huynh ở quận Hai Bà Trưng cứ thế nức nở.

Nhưng dù có khóc lóc, van xin, cuối cùng chị phải lặng lẽ mang hồ sơ của con ra về. Chị lại bắt đầu hành trình đi xin học cho con ở một ngôi trường khác.

Còn chị H, việc trường tăng điểm chuẩn như chơi chứng khoán cũng "quá sức chịu đựng" của chị. Nghẹt thở, đau tim, tự trách mình và cuối cùng chị H tiếp tục lao ra đường giữa cái nắng gắt để mong tìm được một cơ hội mới cho con.

Bài toán cân não

Còn với chị Minh Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), những ngày qua thực sự là thời gian tồi tệ, không khác tra tấn tinh thần. Chị phải giải bài toán cân não giữa việc nộp hồ sơ vào trường con đỗ nguyện vọng 2 hay cố chờ ngôi trường con mơ ước hạ điểm chuẩn.

Con chị thiếu 0,5 điểm nữa là đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Việt Đức. Trước khi Hà Nội công bố điểm chuẩn, chị đến trường chụp lại bảng điểm và tỉ mỉ ngồi đếm số lượng thí sinh có điểm thi từ trên cao xuống cho đến khi trường đủ chỉ tiêu.

“Tôi đã tính rất kỹ, nếu lấy 49 điểm trường vẫn thiếu chỉ tiêu. Con mình được 48,5 vẫn còn cơ hội đỗ”, vậy là chị Minh Anh nuôi hy vọng.

Nhưng sau những đêm trằn trọc, bài toán cân não bắt buộc phải có lời giải, vì ngày 3/7 là hạn cuối cùng nhận hồ sơ nhập học của trường THPT công lập, chị quyết định không đánh cược tương lai của con nữa.

“Không được vào ngôi trường mong muốn, nhưng lúc này quan trọng nhất là cần một chỗ học”- chị Minh Anh chia sẻ.

Ngày 4/7, những trường THPT công lập ở Hà Nội nếu không tuyển đủ chỉ tiêu sẽ hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung. Rất có thể, sau những ngày cày cục nộp được hồ sơ cho con, phụ huynh sẽ tiếp tục hành trình rút-nộp hồ sơ đầy căng thẳng để lo cho con có một chỗ học tốt nhất.


Theo Trí Thức Trẻ


tuyển sinh vào lớp 10

tuyển sinh lớp 10

điểm chuẩn lớp 10


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.