Người Nhật nhậu để thăng tiến và không bị xa lánh

Văn hóa nomikai buộc nhiều người phải tham gia vào những buổi tiệc tùng sau giờ làm để có cơ hội thăng quan tiến chức, đồng thời tránh bị cô lập tại cơ quan.

Văn hóa nomikai buộc nhiều người phải tham gia vào những buổi tiệc tùng sau giờ làm để có cơ hội thăng quan tiến chức, đồng thời tránh bị cô lập tại cơ quan.


Người Nhật Bản trước nay vẫn thường được biết đến với vẻ ngoài hào nhoáng trên các phương tiện truyền thông. Họ lao động miệt mài, hết mình vì công việc, lịch sự và sạch sẽ... Tuy nhiên, sự hoàn hảo không tồn tại và người Nhật cũng như vậy. Họ cũng có những mặt tối mà truyền thông dường như đã bỏ quên, ví dụ như "nomikai" - văn hóa nhậu của dân công sở.

Những buổi nhậu toan tính


Nhậu là một khái niệm gây nhiều tranh cãi, người ủng hộ nhưng cũng có kẻ phản đối kịch liệt. Bỏ qua những cuộc tranh luận xem nhậu tốt hay xấu, khó ai có thể phủ nhận bàn nhậu giúp người ta giao tiếp tốt hơn. Xoay quanh những ly rượu, cốc bia, họ có đủ chuyện để nói với nhau. Đôi khi, những bức tường ngăn cách cũng có thể gỡ bỏ chỉ sau bữa nhậu.

Đó cũng là lý do thuật ngữ "nomunication" ra đời. Từ này là sự kết hợp giữa "nomikai" và "communication" (giao tiếp). Có thể hiểu, với người Nhật Bản, buổi nhậu "nomikai" không đơn thuần là bữa ăn. Đó là nơi để đồng nghiệp với đồng nghiệp, sếp với nhân viên hay các đối tác trao đổi, gắn kết nhau.

Người Nhật nhậu để thăng tiến và không bị xa lánh-1
Những buổi nhậu sau giờ làm là cách người Nhật gây dựng các mối quan hệ xã hội. Ảnh: Getty.

Về cơ bản, mục đích của nomikai không xấu. Tuy nhiên, chính sự gắn kết trong bữa nhậu khiến nhiều người gặp áp lực không thể thoát ra. Việc từ chối bữa nhậu không khác gì tuyên bố "tự xa rời tập thể". Gaijin Blog, trang viết về văn hóa và cuộc sống ở Nhật Bản, cho biết những người không đến các buổi nhậu dễ "bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và bị kỳ thị trong công ty".

Vì thế, trong các công ty Nhật Bản, nhân viên kỳ cựu thường truyền tai nhau bí kíp "Nếu muốn thăng tiến, việc đầu tiên là phải biết uống".

"Tôi đã làm việc 10 năm cho công ty Nhật Bản và có thể cam đoan việc nhậu với đồng nghiệp là bắt buộc. Họ có thể không ép hẳn nhưng bạn phải tự ý thức điều này. Bất chấp xã hội đang có nhiều thay đổi, nhậu luôn là một phần không thể thiếu trong việc kinh doanh ở Nhật Bản", người dùng Tashiro chia sẻ trên một diễn đàn.

"Bất chấp xã hội đang có nhiều thay đổi, nhậu luôn là một phần không thể thiếu trong việc kinh doanh ở Nhật Bản"

Điều này cũng được chủ blog Carterjmrn khẳng định. Trong bài viết "Văn hóa Nomikai: Mượn rượu để gây dựng vốn xã hội", chủ blog nói có hai trường hợp xảy ra khi bạn làm cho các công ty ở Nhật. Nếu đó là gaishikei (công ty nước ngoài), văn hóa nomikai có thể bỏ qua. Tuy nhiên, ở các công ty truyền thống, bạn buộc phải dành thời gian cho các buổi nhậu.

"Tôi đã từng đi nhiều chuyến tàu đêm ở Nhật. Bạn có thể thấy những người vất vưởng sau cơn say. Và cũng chính họ sẽ phải thức dậy sớm vào sáng hôm sau cho một ngày làm việc mới".

Chủ blog này nhấn mạnh nhiều vị sếp thường sử dụng nomikai như một cách để đánh giá nhân viên. Thông qua các buổi nhậu, họ có thể nhìn thấy sự tương tác của cấp dưới, những điểm mạnh, điểm yếu cũng dần lộ ra. Quan trọng hơn cả, cách đối xử với sếp của nhân viên cũng có thể bị xem xét và đánh giá chỉ sau bữa nhậu.

Người Nhật nhậu để thăng tiến và không bị xa lánh-2
Lối sống nguyên tắc khiến việc giao tiếp ở các cơ quan Nhật bị hạn chế. Ảnh: Getty.


Lý do những bữa nhậu có sức nặng như thế cũng một phần vì lối sống nguyên tắc của người Nhật Bản. Trong một công ty, tất cả phải nhất nhất theo quy định. Nhân viên đến đúng giờ, ngồi họp vào đầu ngày. Giờ ăn trưa kéo dài một tiếng, bắt đầu từ 12h. Trong giờ làm việc, bạn phải tập trung tuyệt đối. Shigo (nói chuyện riêng) cần hạn chế ở mức tối thiểu.

Sống trong không gian khắt khe như vậy, gây dựng mối quan hệ thân thiết là điều quá khó khăn. Do đó, họ chỉ có thể vui vẻ bên nhau trong những quán nhậu sau giờ làm việc để không ảnh hưởng tới tập thể.

Những buổi nhậu "hành xác"


Japan Today chỉ ra một nghịch lý khi bạn nhìn vào "báo cáo về tình trạng rượu và sức khỏe toàn cầu" của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra năm 2018. Nhật Bản chỉ xếp 119/189, thứ hạng không quá cao.

Tuy nhiên, điều này không đưa đến kết luận người Nhật Bản tiêu thụ rượu ít. Theo quy chuẩn của WHO, một đơn vị alcohol bằng 10 gram rượu nguyên chất. Nghịch lý ở chỗ theo cách tính riêng của Nhật Bản, một đơn vị alcohol phải bằng 20 gram rượu nguyên chất. Do đó, thứ hạng 119 không phản ánh rõ tình trạng nhậu nhẹt của người dân xứ anh đào.

Một số câu chuyện kể rằng người Nhật có thể uống cả tấn bia rượu trong bữa nhậu. Điều này có thể đúng hoặc sai, tùy theo tửu lượng mỗi người. Tuy nhiên, hình ảnh nhân viên say bí tỉ trước mặt sếp là điều không hiếm thấy.

Điều này có thể không phải do họ yếu mà vì thời gian nhậu quá lâu. Một khi đã nhận được lời mời đi nhậu, buổi tối của bạn coi như chấm dứt. Thông thường, bữa tối chỉ diễn ra từ 19-21h. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị cho tăng 2, tăng 3 tiếp theo. Sau khi tàn tiệc, đồng hồ có lẽ đã điểm 1h ngày hôm sau.

Các phương tiện công cộng ở Nhật thường hoạt động tới 0h. Do đó, dân nhậu hoàn toàn có thể yên tâm vẫn về nhà an toàn nếu bắt chuyến gần chót.

Người Nhật nhậu để thăng tiến và không bị xa lánh-3
Những buổi nhậu kéo dài khiến dân công sở Nhật Bản khốn khổ. Ảnh: Getty.


Nhiều người nhậu say thường phá phách hay kiếm chuyện đánh nhau. Dù vậy, về cơ bản, dân văn phòng Nhật Bản thường chỉ ngủ vật vờ ở nơi công cộng khi say. Tính riêng tư được người Nhật coi trọng nên hầu như không ai cố ngăn bạn uống trong các cuộc vui. Bạn sẽ phải tự giữ mình để không khiến đồng nghiệp phật lòng hay tự đẩy bản thân vào những rắc rối khi say.

Mặt khác, một số ý kiến cho rằng việc giảm nhậu có thể giúp ích khá nhiều cho xã hội. Trong những năm qua, Nhật Bản vẫn thường ở trong mức báo động về tỷ lệ sinh thấp. Do đó, việc giảm thiểu bữa nhậu để tỉnh táo mỗi đêm bên vợ dường như sẽ tốt hơn cho các ông chồng.

Có thể xóa bỏ nomikai?


Đó thực sự là một câu hỏi không dễ để trả lời. Tháng 5/2019, Saiko Nanri, Giám đốc điều hành ngân hàng Mitshubishi UFJ, đã tuyên bố những cuộc vui nomikai sẽ chính thức chấm dứt dưới sự quản lý của mình. Saiko khẳng định việc quan hệ xã hội sau giờ làm là không cần thiết, đồng thời ảnh hưởng xấu đến người có con nhỏ.

Kumiko Nemoto, giáo sư thuộc Đại học Ngoại ngữ Kyoto, nhấn mạnh việc chấm dứt nomikai là điều cần thiết để tạo nên môi trường làm việc tốt. "Xóa bỏ những buổi nhậu tạo quan hệ sẽ giúp nhân viên phát triển mình trong công việc. Họ cần thăng tiến dựa trên hiệu suất và năng lực của bản thân, đồng thời phát triển các mối quan hệ ngay tại cơ quan".

Người Nhật nhậu để thăng tiến và không bị xa lánh-4
Những loại đồ uống không cồn nhưng vẫn đảm bảo mùi vị có thể là lời giải cho bài toán nomikai. Ảnh: Getty.


Bên cạnh những ý kiến bác bỏ nomikai, nhiều người vẫn quan niệm nhậu là một phần không thể thiếu trong kinh doanh và môi trường công sở. Chia sẻ với chủ blog Gaijinpot, nhiều người có thâm niên làm việc đồng ý rằng nomikai đem đến lợi ích rõ rệt.

Họ sẽ dễ dàng nói chuyện với sếp hơn trong một không gian thoải mái bên ngoài công sở. Mối quan hệ của các đồng nghiệp cũng được cải thiện đáng kể sau những buổi nói chuyện bên bàn nhậu. Nhiều người thậm chí còn đi đến hôn nhân. "Ăn uống luôn là cách đưa con người đến gần nhau hơn", chủ blog chia sẻ quan điểm.

Việc bỏ hay giữ nomikai sẽ tiếp tục là một cuộc tranh cãi khó đi đến hồi kết. Tuy nhiên, người Nhật đã có thể tìm thấy giải pháp giảm thiểu tác hại của nomikai ngay lúc này. Thay vì đồ uống có cồn, họ có thể sử dụng đồ uống không cồn nhưng vẫn đem lại hương vị tương đương.

Các sản phẩm có thể kể đến như bia không cồn và rượu gin, một loại nổi tiếng với nồng độ cồn lên đến 40%. Dù vậy, người Nhật đã phát minh ra loại rượu gin không cồn mang tên nema với giá 30 USD/chai. Có thể trong tương lai, đây sẽ là cứu cánh để dung hòa 2 phe bác bỏ và ủng hộ nomikai...

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/nguoi-nhat-ban-phai-nhau-de-thang-tien-va-khong-bi-xa-lanh-post1032336.html

Văn hóa nomikai

người Nhật

cách ăn uống của người Nhật


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.