Google thừa nhận cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ

Google ngày hôm qua đã lần đầu tiên tiết lộ thông tin chi tiết về việc trao dữ liệu của người dùng cho chính phủ Mỹ, nhưng chỉ dưới yêu cầu đặc biệt của tòa án và phủ nhận việc cho phép chính phủ Mỹ truy cập trực tiếp vào máy chủ của hãng.

Google ngày hôm qua đã lần đầu tiên tiết lộ thông tin chi tiết về việc trao dữ liệu của người dùng cho chính phủ Mỹ, nhưng chỉ dưới yêu cầu đặc biệt của tòa án và phủ nhận việc cho phép chính phủ Mỹ truy cập trực tiếp vào máy chủ của hãng.

Mặc dù đã từng lên tiếng phủ nhận việc cung cấp thông tin người dùng cho các cơ quan chính phủ Mỹ, tuy nhiên mới đây Google đã tiên phong khi tiết lộ chi tiết việc cung cấp thông tin theo lệnh của tòa án.

Theo Google, khi đối mặt với lệnh của tòa án về yêu cầu cung cấp thông tin của người dùng cho các cơ quan của chính phủ Mỹ, “gã khổng lồ tìm kiếm” đã sử dụng những cách thức đơn giản đến bất ngờ, bao gồm cả việc trao thông tin bằng cách chuyền tay hay sử dụng kỹ thuật đơn giản để chuyển dữ liệu từ máy tính này sang máy tính khác.

Google thừa nhận cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ
Google thừa nhận cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ, nhưng chỉ dưới yêu cầu đặc biệt của tòa án

“Khi bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu của tòa án, chúng tôi đã cung cấp thông tin cho chính phủ Mỹ chủ yếu theo cách thức chuyền dữ liệu cá nhân và qua giao thức chuyển dữ liệu FTP”, Google cho biết trong một thông báo vừa được đưa ra.

Theo Google, các cách thức mà “gã khổng lồ tìm kiếm” này sử dụng đơn giản đến mức khiến không ít người bất ngờ, bao gồm cả việc lưu dữ liệu lên thẻ nhớ hoặc ổ cứng gắn ngoài, hay thậm chí in các thông tin được yêu cầu để cung cấp cho các quan chức liên bang. Ngoài ra, dữ liệu cũng có thể được cung cấp qua giao thức chuyển file FTP (File Transfer Protocol), một phương thức phổ biến để trao đổi dữ liệu giữa những máy chủ với máy khách bên ngoài.

Tuy nhiên, Google khẳng định các cơ quan chính phủ Mỹ không được quyền truy cập trực tiếp vào máy chủ của Google để lấy đi mọi thông tin mà họ muốn, mà sẽ có một đội ngũ của Google theo dõi đầy đủ các lệnh được đưa ra để cung cấp các thông tin phù hợp.

“Chính phủ Mỹ không được quyền lấy dữ liệu trực tiếp từ mạng lưới máy chủ của chúng tôi”, Google cho biết.

Ngoài ra, Google cũng cho biết việc cung cấp thông tin cho Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ (NSA) thuộc Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA - Foreign Intelligence Surveillance Act), thay vì chương trình giám sát Internet bí mật PRISM như cáo buộc. Google hiện phủ nhận sự hiện diện cũng như sự tham gia của mình vào chương trình giám sát PRISM.

Ngoài Google, nhiều hãng công nghệ lớn khác như Microsoft, Apple, Facebook hay Yahoo… cũng phải cung cấp thông tin cho chính phủ Mỹ theo yêu cầu của tòa án dưới Đạo luật FISA.

Trái ngược với Google thông báo công khai về việc mình cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ, Facebook đã lên tiếng từ chối cung cấp các thông tin chi tiết liên quan đến chương trình giám sát FISA.

“Chúng tôi bị ngăn chặn bởi luật pháp về việc cung cấp các thông tin liên quan đến FISA, bao gồm cả cách thức tiến hành”, Jodi Seth, phát ngôn viên của Facebook cho biết.

Ngoài ra, Facebook và bản thân CEO Mark Zuckerberg cũng đã lên tiếng phủ nhận sự liên quan của mạng xã hội này với chương trình giám sát Internet PRISM và phủ nhận việc chính phủ Mỹ có quyền truy cập trực tiếp vào máy chủ của công ty.

“Chúng tôi không làm việc trực tiếp với NSA hoặc bất kỳ chương trình nào khác”, Mark Zuckerberg cho biết . “Chúng tôi không chủ động cung cấp thông tin người dùng cho bất cứ ai và cũng không cho phép ai tiếp cận chúng tôi để làm điều đó”.

Bên cạnh việc phủ nhận sự hiện diện của chương trình giàm sát PRISM, Google, Facebook, Microsoft và Yahoo mới đây đã cùng kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ hạn chế các yêu cầu về việc cung cấp thông tin người dùng theo đạo luật FISA, vốn đã được chính phủ Mỹ áp dụng từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Đồng thời các “ông lớn công nghệ” cũng yêu cầu Bộ Tư Pháp Mỹ phải có biện pháp để làm minh bạch hơn việc giám sát của mình.

Trước đó, một thông tin “rúng động” được cung cấp bởi Edward Snowden, một cựu nhân viên của CIA khi cho biết Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ (NSA) tiến hành một chương trình giám sát có tên gọi PRISM, cho phép NSA truy cập trực tiếp vào máy chủ của 9 hãng công nghệ và Internet lớn, bao gồm Google, Facebook, Microrosft, Apple, Yahoo… để truy cập và lấy các thông tin cá nhân của người dùng, bao gồm cả các  thông tin nhạy cảm như email, hình ảnh, các dữ liệu riêng tư… mà người dùng lưu trữ trên máy chủ của 9 hãng Internet này.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin trên được tiết lộ, tất cả các hãng công nghệ lớn bị cáo buộc đều lên tiếng phủ nhận sự tham gia của mình vào chương trình giám sát của NSA và khẳng định chưa từng nghe đến PRISM.
 
Hiện đây đang là vấn đề gây tranh cãi về mức độ thực tế cũng như chính xác của nguồn tin do Snowden cung cấp.
Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.